Hải quân đóng vai trò quan trọng trong chiến tranh Napoleon (loạt cuộc chiến giữa một bên là Đế chế Pháp và đồng minh do Napoleon Đệ nhất lãnh đạo với một bên là khối đồng minh châu Âu chống lại Đế chế này).

chiem_ham_phap_no_tung_cvyw.jpg
Soái hạm Pháp Orient nổ tung trong trận sông Nile năm 1798. Ảnh: WHO.

Vào thời kỳ chưa có đường ray xe lửa, hoạt động vận tải bằng đường biển đóng vai trò trọng yếu trong kinh tế thương mại của các cường quốc châu Âu. Sức mạnh hải quân đóng vai trò quan trọng trong duy trì sự kiểm soát đối với các thuộc địa và triển khai quân đội.

Đó là thời kỳ của các tàu buồm cỡ lớn, nhiều tàu trong số này đóng vai trò then chốt trong cuộc chiến Napoleon.

Chiến hạm Victory

Hạ thủy vào năm 1765, tàu Victory của hải quân Anh trở nên nổi tiếng nhờ kích cỡ của nó, vai trò trong chiến tranh Napoleon cũng như việc sau này nó được giữ làm bảo tàng.

Con tàu có 100 khẩu pháo này đã được đóng tại xưởng Chatham dưới sự giám sát của John Lock và sau đó là Edward Allin. Trong thời gian phục vụ vài thập kỷ, tàu đã đóng vai trò là soái hạm cho một số tư lệnh hải quân, gồm có Keppel ở Ushant và Howe ở mũi Spartel

Vào thời gian diễn ra các cuộc chiến tranh Napoleon, Victory không còn là chiến hạm hiện đại nhất của hải quân Anh nữa. Mặc dù vậy, tàu vẫn có năng lực rất tốt vào thời đó và đã được tu sửa để ở trong trạng thái tốt nhất có thể. Phó Đô đốc Horatio Nelson đã chọn tàu này làm soái hạm của mình vào năm 1803. Trong trận chiến Trafalgar năm 1805, Nelson đốc chiến trên con tàu này.

Trận Trafalgar là trận chiến lớn nhất và cũng là trận đánh cuối cùng của Nelson. Một phát đạn đã khiến ông tử thương. Trong số thủy thủ đoàn của Nelson, 57 người tử trận, 102 bị thương. Bản thân Victory bị hư hại nặng và phải được tàu khác kéo về cảng. Tàu được sửa chữa và tiếp tục đóng vai trò chiến hạm trước khi được dùng làm nơi huấn luyện và sau đó trở thành điểm thu hút du lịch.

Chiến hạm Orient

Hạ thủy vào ngày 20/7/1791, tàu Orient tham chiến trong bối cảnh nước Pháp bước vào thời kỳ của những thay đổi long trời lở đất. Tên ban đầu của tàu là Dauphin Hoàng gia nhưng cái tên này đã bị chính phủ nước Pháp Cộng hòa xóa bỏ. Trong 3 năm, tàu mang tên Sans-Culotte, để tri ân phong trào chính trị này. Nhưng cái tên này cũng bị chỉ trích. Cuối cùng tàu được gọi là Orient.

Đây là một con tàu lớn và hiện đại theo tiêu chuẩn thời đó. Orient được trang bị 118 pháo và đóng vai trò soái hạm cho Phó Đô đốc Martin trong trận chiến Genoa năm 1795. Đến năm 1798, tàu được giao sứ mệnh soái hạm trong cuộc viễn chinh sang Ai Cập – cuộc viễn chinh trở thành một trong sự kiện thảm họa nhất của Pháp.

Ngày 2/8/1798, Orient thả neo ở cửa sông Nile (Ai Cập). Tàu đã bị quân Anh dưới sự chỉ huy của Nelson tấn công. Bị năm tàu chiến đối phương bắn xối xả, tàu Orient bốc cháy. Kho thuốc súng trên tàu bắt lửa, tạo ra một vụ nổ lớn khiến tàu bị phá hủy hoàn toàn. Hiện vẫn còn tranh cãi về con số cụ thể các thủy thủ thiệt mạng nhưng một điều chắc chắn là hàng trăm người trên tàu đã tử trận.

Chiến hạm Santisima Trinidad

Con tàu với hỏa lực mạnh nhất trong Chiến tranh Napoleon lại không phải do Anh hay Pháp đóng, mà là do người Tây Ban Nha chế tạo.

Hạ thủy vào năm 1769, Santisima Trinidad khởi đầu là một chiến hạm 3 khoang trang bị 112 pháo. Với số lượng pháo như thế này, tàu đã là một trong những chiến hạm mạnh nhất biển cả thời đó, trở thành biểu tượng cho đế chế hàng hải Tây Ban Nha một thời.

Năm 1795, tàu được cải tiến để có thêm boong pháo thứ thư – đặc điểm độc nhất vô nhị đối với tàu chiến thời đó. Khi ấy, về lý thuyết tàu có thể mang tới 140 khẩu pháo, nhưng trên thực tế con số này được giảm xuống 130. Santisima Trinidad nổi danh là tàu lớn nhất trên mọi vùng biển.

Santisima Trinidad đóng vai trò soái hạm Tây Ban Nha vào năm 1797 trong trận đánh ở mũi St Vincent. Tại đó tàu bị hư hại nặng và suýt bị người Anh bắt được. Sau khi được sửa chữa ở Cadiz, tàu quay trở lại tham chiến.

Kích thước lớn cùng boong pháo thứ 4 khiến tàu trở nên cồng kềnh khi tác chiến trên biển. Trong trận Trafalgar, sự kém linh hoạt của tàu đã ngăn cản tàu phát huy tác dụng. Bị vài tàu chiến Anh tấn công cùng một lúc, tàu Santisima Trinidad bị mất cột buồm chính và bị đối phương chiếm giữ. Trong lúc được tàu Anh kéo đi, tàu gặp bão và đã bị đắm.

Chiến hạm Ville de Paris

Trái ngược với cái tên, tàu Ville de Paris này là của Anh. Đây là một trong 4 tàu lớn nhất trong các cuộc chiến tranh Napoleon.

Hạ thủy vào năm 1795 ở xưởng tàu Chatham, tàu Ville de Paris là con tàu có thiết kế đặc biệt. Tàu có 110 pháo, thể hiện nhu cầu hỏa lực lớn trong các lực lượng hải quân tham gia Chiến tranh Napoleon.

Cái tên Ville de Paris được đặt cho tàu nhằm sỉ nhục người Pháp mà người Anh khi ấy đã phải đối đầu trong hàng loạt cuộc chiến.

Con tàu Ville de Paris gốc là một chiếc soái hạm thực sự của Pháp bị người Anh bắt giữ trong trận Saintes vào tháng 4/1782. Trong hành trình về nước Anh vào tháng 9 năm đó, tàu đã gặp bão tố và đắm dưới biển khơi. Nếu tàu thoát nạn, có lẽ tàu đã được đổi tên và phiên chế vào đội hình hải quân Anh – điều này vốn hay xảy ra với các tàu chiến đối phương bị bắt giữ.

Một trong các hành động nổi bật nhất của tàu diễn ra không phải trong lúc giao chiến mà là trong quá trình rút lui. Khi quân Anh rút lui khỏi bán đảo Iberian sau trận Corunnna, tàu đã sơ tán hàng ngàn binh sĩ Anh.

Giống tàu Victory, tàu Ville de Paris cũng là nơi chứng kiến cái chết của một chỉ huy hải quân. Chỉ có điều Phó Đô đốc Collingwood chết vì bệnh chứ không phải chết vì một viên đạn từ súng hỏa mai như trường hợp Nelson.

Ville de Paris tham gia hoạt động tác chiến trong gần 30 năm trời. Năm 1824, nó được rút về hoạt động tại cảng cho đến khi ngừng hoạt động hoàn toàn vào năm 1845.

Nhưng vào thời điểm này tác chiến hải quân đã bắt đầu thay đổi. Kỷ nguyên của tàu buồm chiến sắp qua. Những tàu buồm còn lại trở thành đồ hiếm hoặc nơi trưng bày bảo tàng./.