Canada lập kỷ lục chứng kiến nhiệt độ cao nhất trong 3 ngày liên tiếp. Theo giới chức bang British Columbia, ít nhất 486 trường hợp tử vong từ 25-30/6, được cho là có liên quan tới thời tiết khắc nghiệt. Phần lớn trong số này là người cao tuổi, mà nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các ca đột tử là do sốc nhiệt. Theo cơ quan thời tiết Canada, mức nhiệt lên tới 49,5 độ C ở Lytton, British Columbia, cách Vancouver khoảng 250km. Riêng Vancouver cũng ghi nhận hơn 130 người tử vong vì thời tiết cực đoan.
Đợt nắng nóng lần này đã buộc các trường học và trung tâm tiêm chủng Covid-19 ở Vancouver phải tạm thời đóng cửa. Trong khi đó các vòi phun nước và trạm phun sương cũng được thiết lập ở các góc phố.
Cái nóng “như thiêu như đốt” lên tới gần 50 độ C không chỉ phá kỷ lục ở Canađa mà còn lan sang vùng Tây Bắc Thái Bình Dương của Mỹ, ảnh hưởng cuộc sống của hàng triệu người. Thành phố Portland, bang Oregon và Seattle, bang Washington đều ghi nhận mức nhiệt cao chưa từng thấy kể từ năm 1940 cho tới nay.
Ít nhất 63 ca tử vong đã được ghi nhận tại bang Oregon của Mỹ những ngày gần đây. Trên khắp bang này, các bệnh viện báo cáo số ca nhập viện tăng bất thường do nắng nóng. Hạt Multnomah, trong đó có thành phố Portland, với nhiệt độ đạt đỉnh 46 độ C, ghi nhận 45 ca tử vong từ hôm 25/6.
Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ cảnh báo nắng nóng còn kéo dài, kêu gọi người dân nên ở trong nhà có điều hòa nhiệt độ, uống nhiều nước, tránh các hoạt động ngoài trời khi không cần thiết.
Nguyên nhân của đợt nắng nóng đang hoành hành tại Canada và Mỹ được các chuyên gia khí tượng nhận định là do “vòm nhiệt”- một hiện tượng thời tiết giữ nhiệt độ lại ở một khu vực và ngăn các hệ thống thời tiết khác di chuyển đến.
Người phát ngôn của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) Clare Nullis giải thích: “Sức nóng sinh ra do mô hình ngăn chặn khí quyển. Điều này có nghĩa là những nền nhiệt độ cao tập trung ở một khu vực cụ thể. Thông thường sẽ có luồng khí cản từ vành đai gió chuyển động cao, làm thay đổi hệ thống thời tiết này, song hiện tượng này lại không xảy ra như vậy. Hậu quả là bạn hãy tưởng tượng nó gần giống như hiệu ứng nồi áp suất, khiến chúng ta phải chứng kiến nền nhiệt rất cao đến vậy”.
Nắng nóng gay gắt kết hợp với hạn hán còn làm gia tăng nguy cơ bùng phát các đám cháy rừng. 3 hôm trước, 500 héc-ta rừng bị thiêu rụi trong đám cháy ở biên giới California – Oregon. Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo biến đổi khí hậu đang dẫn đến “sự kết hợp nguy hiểm của nắng nóng khắc nghiệt và hạn hán kéo dài”, khiến giới chức trách nước này phải chuẩn bị ứng phó trước nguy cơ số vụ cháy rừng có thể gia tăng đến mức kỷ lục trong năm nay./.