Chính phủ Hàn Quốc ngày 2/11 lên tiếng lấy làm tiếc rằng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên từ chối đối thoại liên Triều để phản đối hoạt động của một nhóm dân sự Hàn Quốc rải truyền đơn chống chính quyền ở Bình Nhưỡng. Trước đó, tờ “Lao động”, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, nhấn mạnh rằng bất kỳ cuộc đối thoại liên Triều nào cũng khó có thể diễn ra trong hoàn cảnh như thế này. 

ttxvn_25102014trieuhan_mvmf.jpgĐại diện quân sự cấp cao Hàn Quốc và Triều Tiên trong một buổi đàm phán. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Theo phía Triều Tiên, một tổ chức dân sự Hàn Quốc đã tiếp tục rải truyền đơn chống Bình Nhưỡng tại tỉnh Kyeonggi vào đêm 31/10. Trước đó ít ngày, một nhóm các nhà hoạt động bảo thủ của Hàn Quốc đã tìm cách thả bóng bay mang theo truyền đơn chống Triều Tiên tại Imjingak, gần biên giới hai miền, song không thực hiện được vì vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân địa phương và các nhóm dân sự cấp tiến. Sau đó, các nhà hoạt động này đã thổi một quả bóng to hơn chứa truyền đơn và thả vào đêm cùng ngày tại khu vực Gimpo gần đó.

Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ngày 1/11 khẳng định sẽ không có đối thoại với Hàn Quốc hay cải thiện quan hệ liên Triều nếu chính quyền ở Seoul (Seoul) không ngăn chặn hoạt động rải truyền đơn chống chính quyền ở Bình Nhưỡng. Triều Tiên cảnh báo rằng chính quyền của Tổng thống Park Geun-hye sẽ “phải trả giá đắt” nếu bỏ lỡ cơ hội khó khăn lắm mới đạt được nhằm cải thiện quan hệ hai miền.

Phát thanh viên đài truyền hình nhà nước Triều Tiên dẫn thông cáo của Ủy ban Tái Thống nhất hòa bình Triều Tiên nêu rõ: “Chính quyền Hàn Quốc không nên quên rằng lực lượng vũ trang cách mạng của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã tuyên bố họ không chỉ chặn đứng những quả bóng mang theo truyền đơn mà còn đập tan những căn cứ và lực lượng chỉ huy chiến dịch này nếu hành động rải truyền đơn còn tiếp diễn”.

Ủy ban Tái Thống nhất hòa bình Triều Tiên cũng cho biết Bình Nhưỡng sẽ đưa vấn đề này ra các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc nhằm tạo một tiếng nói quốc tế lên án các hành động của Hàn Quốc làm tổn hại đến uy tín của giới lãnh đạo Triều Tiên.

Đáp lại, người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Lim Byeong-cheol ngày 2/11 cho biết: “Chính phủ của chúng tôi lấy làm tiếc về quan điểm của Triều Tiên rằng chúng tôi chủ đích ủng hộ hoạt động rải truyền đơn của các tổ chức tư nhân. Chúng tôi cũng vô cùng tiếc nuối khi họ không sẵn sàng đối thoại cấp cao vì vấn đề này. Chính phủ của chúng tôi đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc với Triều Tiên rằng chúng tôi sẽ phản ứng một cách cứng rắn đối với bất cứ hành động gây hấn nào đe dọa đến an ninh của người dân”.

Trong khi đó, hãng tin KBS của Hàn Quốc ngày 2/11 dẫn lời một quan chức nước này cho rằng, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên vừa hạ thủy một tàu ngầm mới có khẳ năng bắn tên lửa đạn đạo. Theo nguồn tin dấu tên của chính phủ Hàn Quốc, loại tàu ngầm mà Triều Tiên vừa hạ thủy là tàu Golf-class dùng động cơ diesel nhập khẩu từ Nga những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước sau đó được cải tiến.

Quan chức Hàn Quốc cho biết, loại tàu này được chế tạo từ năm 1958 và đã ngừng hoạt động năm 1990. Đây là lần đầu tiên một quan chức dấu tên của Hàn Quốc khẳng định nghi ngờ lâu nay của dư luận nước này về khả năng Triều Tiên hạ thủy tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo.

Một số chuyên gia thậm chí tin rằng, Triều Tiên đã phát triển được một tàu ngầm trang bị hệ thống phóng tên lửa theo trục thẳng đứng, nghĩa là tiến bộ hơn công nghệ quốc phòng Hàn Quốc khoảng 6 năm. Bởi theo kế hoạch phải từ năm 2020 đến năm 2024 quân đội Hàn Quốc mới có thể triển khai 3 tàu ngầm 3.000 tấn trang bị hệ thống phóng thẳng đứng và thêm 3 chiếc nữa trong giai đoạn từ năm 2020 đến 2030.

Những “cơn sóng ngầm” trên cả mặt trận ngoại giao và quân sự này cho thấy Hàn Quốc và Triều Tiên đang tự làm khó mình trước thềm các cuộc đàm phán cấp cao song phương vốn rất gian nan mà vẫn chưa thành hiện thực./.