Hy vọng này được nhen nhóm sau khi gần 600 đoàn đại biểu Đảng Dân chủ xã hội ( SPD) bỏ phiếu ủng hộ các cuộc đàm phán với khối bảo thủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Cái bắt tay trở lại giữa Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) do Thủ tướng Merkel dẫn đầu và SPD là một điều được cả người dân Đức lẫn châu Âu mong đợi.

angela_merkel_zftn.jpg
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Reuters

Đảng Dân chủ xã hội Đức đã nhất trí tổ chức các cuộc đối thoại thăm dò nhằm thành lập một Chính phủ với khối bảo thủ của Thủ tướng Merkel, đánh dấu sự đột phá lớn trong nỗ lực chấm dứt bế tắc chính trị tại Đức. Mặc dù vậy, SPD vẫn chưa cho biết sẽ tham gia vào một liên minh lớn hay ủng hộ một Chính phủ thiểu số do Thủ tướng Merkel dẫn dắt.

Thủ tướng Merkel ngay lập tức hoan nghênh quyết định tham gia đối thoại của SPD, cho rằng trong bối cảnh tình hình quốc tế còn nhiều bất ổn như hiện nay, Đức cần phải sớm chấm dứt tình trạng mất ổn định.

Bà Merkel nói: “Tôi hoan nghênh quyết định của SPD bắt đầu các cuộc đối thoại thăm dò. Đó là những bước tiến lớn mà SPD đưa ra kể từ cuộc bầu cử vào 24/9 vừa qua. Chúng tôi sẽ sớm bắt đầu cuộc đối thoại này, dựa trên nền tảng của một Chính phủ liên minh ổn định”.

Dự kiến cuộc gặp giữa SPD và SDU/CSU diễn ra vào giữa tuần tới và kéo dài trong khoảng 1 tuần. Nếu một đại liên minh được thành lập nó sẽ đánh dấu sự quay trở lại của một Chính phủ Đại liên minh CDU/CSU-SPD đã từng được thành lập trong giai đoạn 2005-2009.

Tuy vậy, giới quan sát cho rằng, các cuộc đàm phán sẽ thực sự khó khăn và sẽ có sự thay đổi lớn cục diện so với Đại liên minh được thành lập trước đó.

SPD đã có kinh nghiệm của thời kì đại liên minh năm 2005-2009. Trong nhiệm kì đó, CDU/CSU luôn có cách để nhận mọi lời khen ngợi vì những thành tích đối nội, đối ngoại, trong khi đó SPD gánh chịu thiệt hại và mất đi sự ủng hộ của cử tri khi bị đổ mọi trách nhiệm cho những yếu kém của Chính phủ và sau đó thất bại trong bầu cử.

Chính vì điều này, ngay sau khi có kết quả bầu cử vào tháng 9 vừa qua, SPD đã nhiều lần tuyên bố không hợp tác với Liên đảng của Thủ tướng Merkel. Chủ tịch Đảng SPD Martin Schulz cũng khẳng định, bất cứ quyết định nào được đưa ra thì nước Đức cũng phải thay đổi và nêu rõ những ưu tiên trong chính sách của mình.

“Chúng tôi chắc chắn muốn có một sự thay đổi. Không thể tiếp tục một đại liên minh như chúng ta đã biết. Đức có một xã hội cần sự liên kết và làm mới trong nhiều lĩnh vực. Đức phải là một xã hội hiện đại hơn về giáo dục , chăm sóc sức khỏe, lương hưu và đối phó với đói nghèo ở tuổi già”, ông Martin Schulz nói.

Mặc dù vậy, không chỉ riêng dư luận Đức mà cả châu Âu đều đang mong đợi một Chính phủ Đại liên minh giữa CDU/CSU và SPD. Theo kết quả cuộc khảo sát mới nhất do Viện Forsa tiến hành, khoảng 70% người dân Đức được hỏi đều hy vọng về việc thành lập "đại liên minh" giữa liên đảng CDU/CSU và SPD.

Trong khi đó, khoảng 36% bày tỏ thất vọng về một liên minh bảo thủ khác, đồng nghĩa với việc đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) sẽ trở thành đảng đối lập lớn nhất.

Cũng theo kết quả cuộc khảo sát, đảng SPD nhận được 23% tỷ lệ ủng hộ, trong khi tỷ lệ ủng hộ dành cho liên đảng CDU/CSU của Thủ tướng Merkel là 32%./.