Sudan và Nam Sudan vừa tuyên bố sẽ tuân thủ nghiêm túc việc thực thi thỏa thuận hợp tác hòa bình đã đạt được giữa hai nước.

Cam kết được Tổng thống Sudan Omar al-Bashir và Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir đưa ra hôm 12/4 nhân chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Sudan al-Bashir tới Nam Sudan kể từ khi Nam Sudan tuyên bố độc lập khỏi Sudan cách đây gần 2 năm.

Hai nhà lãnh đạo đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục tiến trình đàm phán nhằm tháo gỡ mọi tranh chấp, đặc biệt là tranh chấp biên giới chung.

tong%20thong%20nam%20sudan%20salva%20kiir.jpg
Tổng thống Nam Sudan, Salva Kiir (ảnh: PressTV)

Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp tại thủ đô Juba của Nam Sudan, Tổng thống Sudan Omar al-Bashir nhấn mạnh: "Chúng tôi triệt để tuân thủ việc thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa hai nước; tháo gỡ mọi trở ngại đối với người dân hai nước trong vấn đề di chuyển và vấn đề buôn bán qua biên giới; xử lí mọi vấn đề liên quan đến cuộc sống của người dân hai nước, vì lợi ích chung của cả hai bên".

Về phần mình, Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir cũng khẳng định sự sẵn sàng của Nam Sudan trong việc tiếp tục thảo luận với Sudan nhằm sớm tìm ra giải pháp cho mọi vấn đề còn tồn tại giữa hai nước.

Các chính khách hai nước tin tưởng rằng, chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Sudan tới Nam Sudan hôm 12/4 là sự bắt đầu cho một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ giữa hai quốc gia. Chuyến thăm hứa hẹn mở ra triển vọng thúc đẩy một loạt các vấn đề còn tranh chấp giữa hai bên, đặc biệt là vấn đề tranh chấp thành phố giàu dầu mỏ Abiey.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích khu vực cảnh báo: trở ngại của tiến trình hợp tác hòa bình giữa hai nước vẫn còn rất lớn, nhất là trong bối cảnh tình hình an ninh nội tại ở cả hai nước vẫn còn nhiều bất ổn. 

Tổng biên tập báo Kim Tự Tháp của Ai Cập Atya Eysawy nhận định, còn quá sớm để nói rằng chuyến thăm đã khép lại hoàn toàn mọi vấn đề của quá khứ giữa hai nước và cho rằng vẫn còn rất nhiều vấn đề tồn tại giữa hai bên chưa được giải quyết, đe dọa sự đổ vỡ của thỏa thuận hợp tác hòa bình mà hai nước đã đạt được.

“Trở ngại lớn nhất chính là vấn đề tranh chấp lãnh thổ khu vực Abiey giàu dầu mỏ, bên cạnh 5 điểm tranh chấp khác trên đường biên giới kéo dài 200km giữa hai nước,” vị Tổng biên tập nói. “Ngoài ra, việc đảm bảo mở cửa biên giới cho người dân hai nước di chuyển và giao thương cũng được coi là một thách thức không hề đơn giản. Chuyến thăm rõ ràng là một thành công, nhưng cũng còn đó những thách thức rất lớn cần phải vượt qua”./.