Nga và châu Âu hy vọng dự án sẽ được hoàn thành, đem lại lợi ích kinh tế cho các bên.
Trả lời phỏng vấn truyền hình, người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Nga Dmitry Peskov hôm qua nhấn mạnh, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Dòng chảy phương Bắc 2 mang tính chất thù địch, cạnh tranh không công bằng. Tuy nhiên, ông khẳng định, công việc đối với dự án này vẫn đang tiếp tục và sắp hoàn thành. Ông lưu ý, Nga đã sống trong “một môi trường không thân thiện, thậm chí thù địch” và cả năm qua nước này phải đối mặt với cái gọi là “những lệnh trừng phạt mới”.
Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 dự kiến xây dựng 2 chuỗi đường ống dẫn khí với tổng công suất 55 tỷ mét khối mỗi năm từ Nga đến Đức thông qua Biển Baltic. Đường ống dẫn khí này đã hoàn thành 93%. Việc xây dựng bị đình chỉ vào tháng 12/2019 khi công ty đặt đường ống của Thụy Sĩ Allseas đã tạm dừng công việc do lệnh trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, vào ngày 11/12 vừa qua, công việc đã hoạt động trở lại.
Điều này khiến Mỹ “tức giận”, tuyên bố sẽ áp đặt gói trừng phạt mới mang tính “chí mạng” đối với dự án này trong thời gian tới. Giới chức cấp cao Mỹ khẳng định, dự án của Nga này sẽ “không có cơ hội hoàn thành” và “không thể đưa vào vận hành”.
Văn phòng Tổng thống Nga ngày 24/12 vừa qua thừa nhận các lệnh trừng phạt mới của Mỹ có thể cản trở việc hoàn thành đường ống dẫn khí đốt của Nga tới Đức; song khẳng định, Nga và các quốc gia châu Âu có lợi ích trong việc thúc đẩy xây dựng đường ống này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga sẽ tự hoàn thành dự án mà không phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng kêu gọi các bên liên quan nên “bình tĩnh hơn” để thảo luận về tương lai của dự án “Dòng chảy phương Bắc-2”. Ông Lavrov khẳng định việc hoàn thành dự án đường ống dẫn khí này là “vấn đề danh dự” của Đức trong bối cảnh Mỹ liên tiếp áp đặt các biện pháp hạn chế ngăn chặn dự án hoàn thành.
Về phần mình,Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng từng nhiều lần chỉ trích các lệnh trừng phạt thiếu công bằng của đồng minh Mỹ: “Đây là một dự án kinh tế rất được coi trọng và vì thế quyết định tham gia của chúng tôi là đúng đắn. Các công ty liên quan đã cam kết và tôi nghĩ dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” sẽ hoàn thành bất chấp các lệnh trừng phạt. Tôi không đồng ý với các biện pháp trừng phạt ngoài lãnh thổ của Mỹ và chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ dự án. Bởi trên hết, đây là một dự án kinh tế.”
Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã chỉ trích ý định của Mỹ về việc mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2, lo ngại kế hoạch này có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp của Liên minh châu Âu đang làm việc trong dự án. Ủy ban châu Âu phản đối ý tưởng về việc nước thứ ba đưa ra các biện pháp hạn chế kinh tế “liên quan đến các công ty của Liên minh châu Âu hoạt động kinh doanh hợp pháp”. Liên minh châu Âu sẵn sàng bảo vệ lợi ích của khối này nếu Mỹ tiếp tục có ý tưởng mở rộng lệnh trừng phạt nhằm vào Dòng chảy phương Bắc 2.
Được các nước Đông Âu như Ba Lan và các nước Baltic ủng hộ, Chính phủ Mỹ muốn ngăn chặn việc hoàn thiện dự án và đe dọa trừng phạt các công ty và cá nhân tham gia dự án, trong đó có phong tỏa tài khoản ở Mỹ và cấm nhập cảnh Mỹ. Mỹ lo ngại rằng các đối tác châu Âu bị phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga. Trong khi đó, Mỹ đang thúc đẩy việc đưa khí đốt tự nhiên hóa lỏng tới châu Âu như một giải pháp thay thế cho khí đốt của Nga./.