Cuộc đối thoại hòa giải dân tộc do Liên Hợp Quốc bảo trợ đang diễn ra tại Yemen đã chính thức bắt đầu các cuộc thảo luận nhằm chấm dứt sự chia rẽ giữa miền Bắc và miền Nam nước này, nhằm mở đường cho việc hình thành một bản hiến pháp mới, chấm dứt khủng hoảng chính trị kéo dài. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán được cho là mang tính lịch sử của Yemen về vấn đề miền Nam lại đang vấp phải nhiều bất đồng khi một số bên đề nghị ly khai miền Nam và tẩy chay đối thoại.

yemen1.jpg
Biểu tình liên tiếp xảy ra tại Yemen (Ảnh: Wikipedia)

Cuộc đối thoại dân tộc đã bắt đầu từ ngày 18/3 và kéo dài trong 6 tháng, nhằm chấm dứt khủng hoảng chính trị kéo dài, mở đường cho việc hình thành một bản hiến pháp mới và chuẩn bị cho một cuộc tổng tuyển cử khi Tổng thống lâm thời Mansour Hadi kết thúc nhiệm kỳ hai năm vào tháng 2/2014. Tuy nhiên, các nhóm ủng hộ ly khai miền Nam đã tẩy chay cuộc đối thoại. Trong thời gian gần đây, những người ủng hộ ly khai miền Nam Yemen còn thường xuyên tổ chức biểu tình nhằm phản đối cuộc đối thoại này, đồng thời đòi tách miền Nam khỏi miền Bắc. Ngay cả các đại diện của miền Nam tại cuộc đối thoại cũng bất đồng về vấn đề này.

Người phát ngôn phong trào miền Nam Yemen cho biết: “Hiện nay chúng tôi có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề miền Nam và chúng tôi vẫn chưa đạt được sự đồng thuận nào. Một số người đề xuất ly khai miền Nam khỏi miền Bắc trong khi một số người cho biết, cần phải để những người dân miền Nam tự đưa ra quyết định của mình. Một số khác thậm chí còn đề xuất thành lập một quốc gia liên minh. Tôi cho rằng đây là vấn đề do người dân miền Nam quyết định”.

Khác với các đại diện từ miền Nam, hầu hết các đại diện miền Bắc Yemen vẫn giữ quan điểm về một quốc gia thống nhất, và nhấn mạnh, không chấp nhận bất kỳ hành động nào nhằm chia rẽ đất nước.

Ông Apdullah Sater, đại diện miền Bắc tại cuộc đối thoại, cho biết: “Ưu tiên của chúng tôi là bảo vệ sự thống nhất của đất nước. Chúng ta cần phải giải quyết vấn đề này trước khi bắt đầu nghĩ về một vấn đề khác. Nếu công bằng và công lý tồn tại thì thống nhất đất nước sẽ là vấn đề tất yếu”.

Người dân miền Nam thường phàn nàn rằng, họ bị phân biệt đối xử về những vấn đề kinh tế và chính trị kể từ khi quân đội miền Bắc giành chiến thắng trong một cuộc nội chiến kéo dài 4 tháng vào năm 1994. Chính phủ Yemen đã bác bỏ những cáo buộc này. Tổng thống lâm thời Hadi cũng cam kết sẽ giải quyết vấn đề miền Nam, đồng thời khẳng định chỉ có đối thoại mới có thể giải quyết các vấn đề hiện nay tại Yemen.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, xung đột giữa miền Bắc và miền Nam chủ yếu xuất phát từ 2 nguyên nhân, đó là vấn đề chia sẻ quyên lực và tài nguyên. Do đó, muốn tiến hành hóa giải dân tộc và thống nhất đất nước, chính quyền Yemen cần phải tập trung giải quyết triệt để 2 vấn đề trên nhằm đảm bảo công bằng và công lý cho mọi người dân 2 miền./.