Nga nói đàm phán với Ukraine bế tắc và hiện không được tiến hành. Các cuộc đàm phán Nga-Ukraine hiện đang đi vào bế tắc và hiện không được tiến hành dưới bất kỳ hình thức nào, nhà đàm phán Nga Leonid Slutsky cho biết trên Telegram ngày 17/5. Trước đó, ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đồng thời là trưởng đoàn đàm phán Ukraine cũng cho biết các cuộc đàm phán với Nga về việc giải quyết xung đột đã bị đình chỉ.
Nga có thể rút khỏi WTO và WHO.Đề xuất chấm dứt tư cách thành viên của Nga tại các tổ chức quốc tế đã được gửi đến quốc hội. Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga đang lên kế hoạch thảo luận về khả năng nước này rút khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Chính phủ Nga dự kiến xem xét lại các nghĩa vụ và hiệp ước quốc tế hiện không mang lại bất kỳ lợi ích nào cho Nga, thậm chí gây thiệt hại trực tiếp cho đất nước.
Thụy Điển và Phần Lan chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO. Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson cho biết Thụy Điển và Phần Lan chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO cùng nhau trong ngày 18/5.
Trong một buổi lễ ngắn gọn tổ chức sáng 18/5 (theo giờ địa phương) tại tổng hành dinh NATO ở Brussels (Bỉ), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã chính thức tiếp nhận đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thuỵ Điển, do Đại sứ Phần Lan và Thuỵ Điển tại NATO trình lên.
Thổ Nhĩ Kỳ chặn các cuộc đàm phán của NATO về Thụy Điển và Phần Lan.Đại diện của các quốc gia thành viên NATO đã họp để tìm cách mở cuộc đàm phán chỉ vài giờ sau khi cả 2 Thụy Điển và Phần Lan chính thức nộp đơn xin gia nhập liên minh quân sự này. Tuy nhiên, Ankara được cho là đã chặn cuộc bỏ phiếu về việc bắt đầu đàm phán.
>> Bị Thổ Nhĩ Kỳ ngáng đường, Phần Lan và Thụy Điển liệu “có cửa” gia nhập NATO?
Theo Bloomberg, Thổ Nhĩ Kỳ nêu điều kiện để NATO kết nạp Thụy Điển và Phần Lan. Danh sách yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ đối với NATO và 2 quốc gia Bắc Âu đang muốn gia nhập liên minh quân sự bao gồm việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt áp đặt lên Ankara sau khi nước này mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 từ Nga, cũng như đưa nước này trở lại chương trình máy bay F-35, Bloomberg ngày 17/5 dẫn nguồn tin từ 3 quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.
Tuy nhiên, các nguồn tin của Bloomberg cũng bác bỏ thông tin cho rằng việc nước này phản đối Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên NATO là vì mối quan hệ của Ankara với Moscow.
Nga trục xuất 85 nhà ngoại giao Pháp, Tây Ban Nha và Italy. Ngày 18/5, Nga cho biết đã trục xuất tổng cộng 85 nhân viên đại sứ quán của Pháp, Tây Ban Nha và Italy để đáp trả động thái tương tự của các nước này.
Cụ thể, Bộ Ngoại giao Nga đã yêu cầu 34 nhân viên ngoại giao của Pháp, 27 nhân viên ngoại giao của Tây Ban Nha và 24 nhân viên ngoại giao của Italy rời khỏi Nga.
EU tuyên bố sẽ không để Ukraine cạn kiệt vũ khí. Nhà ngoại giao hàng đầu Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cam kết với Ukraine về một nguồn cung cấp vũ khí “không bao giờ cạn kiệt”.
“Liên minh châu Âu sẽ không để Ukraine cạn kiệt trang thiết bị”, Giám đốc chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell nói hôm 17/5 tại Brussels, sau cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng châu Âu.
Nga nói Phương Tây đang tự vượt qua lằn ranh đỏ của chính mình.Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhận định, các quốc gia phương Tây đã từ bỏ những giá trị và thậm chí vượt qua lằn ranh đỏ của chính mình.
"Dường như phương Tây không chỉ vượt qua lằn ranh đỏ chúng tôi. Về bản chất, họ cũng đã vượt qua lằn ranh đỏ của chính mình. Họ tuyên bố tự do ngôn luận, luật pháp quốc tế, dân chủ và tự do là những giá trị cơ bản của họ. Nhưng sau đó chính họ lại chà đạp lên chúng và vượt qua chúng", bà Maria Zakharova cho hay.
Đức ủng hộ tịch thu tài sản của chính phủ Nga.Các nước phương Tây nên tịch thu tài sản ở nước ngoài của Ngân hàng Trung ương Nga, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner nhận định với báo giới trước thềm cuộc họp của các bộ trưởng tài chính G7 dự kiến diễn ra ngày 18/5. Một số đề xuất về việc tịch thu tài sản của Nga hiện đang được thảo luận giữa các nước G7 cũng như Liên minh châu Âu (EU).
Moscow cáo buộc phương Tây dùng Ukraine làm cái cớ để gây chiến “không công khai” với Nga. Phát biểu trong cuộc họp trước hội đồng cố vấn khoa học của Hội đồng An ninh, Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolay Patrushev cho rằng "cuộc khủng hoảng địa chính trị chưa từng có" hiện nay xảy ra là bởi phương Tây đã phá hủy cấu trúc an ninh toàn cầu và hệ thống pháp lý quốc tế. Ông cho rằng thay vì tham gia vào những cuộc đối thoại mang tính xây dưng với Moscow, Mỹ và các đồng minh đã tiến hành “mở rộng quân sự và chính trị về phía Nga", tăng cường ủng hộ chính phủ Ukraine và thúc đẩy Kiev "tiến hành những hành vi bạo lực trên quy mô lớn ở phía Đông Ukraine".
Nga nỗ lực phá vỡ tuyến phòng thủ của quân đội Ukraine tại Lugansk.Các quan chức quân đội Ukraine ngày 18/5 cho biết, Nga đang đẩy mạnh nỗ lực phá hủy tuyến phòng thủ của Ukraine tại khu vực Lugansk, triển khai tới 15 máy bay trực thăng để tăng cường cuộc tấn công.
Nga nói gần 1.000 binh sỹ Ukraine tại nhà máy thép Azovstal đã “đầu hàng”. Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Tướng Igor Konashenkov ngày 18/5 tuyên bố, đã có tổng cộng 959 binh sỹ Ukraine, trong đó có 80 người bị thương hạ vũ khí và đầu hàng kể từ ngày16/5. Ông cho biết, 51 người bị thương trong số này đã được đưa tới bệnh viện tại Novoazovsk ở Cộng hòa nhân dân Donetsk (DPR).
Nga tuyên bố phá hủy khẩu đội pháo M777 ở Ukraine. Các UAV tấn công với sự hỗ trợ của các đơn vị pháo binh đã loại bỏ được một khẩu đội pháo M777 155mm gần khu vực Podgornoye ở Ukraine, Bộ Quốc phòng Nga cho biết ngày 18/5.
Trong khi đó, phía Ukraine tuyên bố lực lượng phòng không nước này đã tiêu diệt 15 mục tiêu thù địch trong đó có 11 UAV và 4 tên lửa hành trình. Ngoài ra, quân đội Ukraine cũng đáp trả 12 cuộc tấn công của đối phương.
Nga triển khai vũ khí laser trong chiến dịch quân sự ở Ukraine. Phó Thủ tướng Yury Borisov cho biết Nga đang sử dụng các loại vũ khí laser trong chiến dịch quân sự ở Ukraine, đặc biệt là hệ thống laser Zadira có khả năng tấn công mục tiêu ở cự ly 5 km. Vũ khí laser Zadira mới nhất mạnh hơn hệ thống Peresvet, có khả năng “chọc mù” các vệ tinh do thám ở khoảng cách 1.500 km./.