Trong khi số ca nhiễm mới tại Trung Quốc giảm mạnh trong ngày hôm qua (1/3), thì tại khắp nơi trên thế giới từ châu Á, châu Âu đến Trung Đông, tình hình đang ngày càng trở nên đáng lo ngại, với liên tiếp các ổ dịch mới được xác nhận.

a2_hemd.jpg
Những tác động của dịch viêm phổi cấp do virus SARS-CoV-2 gây nên tiếp tục được cảm nhận tại nhiều nước trên thế giới.  Ảnh: Reuters

Là thành phố thường xuyên phải chịu tình trạng quá tải du lịch, những ngày này Venice trở nên vắng vẻ khác thường do dịch Covid-19 đang bùng phát ở miền Bắc Italia. Dù không phải là nơi dịch bùng phát, song Venice lại nằm cạnh vùng Lombardy tâm dịch vì vậy lượng khách du lịch tới thành phố đã giảm đi rất nhiều.

Italia hôm 1/3 đã phải chứng kiến số ca nhiễm mới Covid-19 tăng cao kỷ lục, với 500 ca, nâng tổng số ca nhiễm bệnh trên cả nước lên gần 1.700 và số ca tử vong là 34. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ít nhất 24 ca nhiễm Covid-19 tại 14 quốc gia châu Âu hiện nay được xác nhận là bắt nguồn từ Itaia. Tuy nhiên giới chức y tế Italia vẫn chưa thể xác định bệnh nhân đầu tiên nhiễm virus ở nước này.

Cũng giống như Venice, viện bảo tàng Louvre ở thủ đô Paris, một  trong những biểu tượng du lịch nổi tiếng của nước Pháp, với gần 10 triệu khách du lịch trong năm ngoái, hôm qua đã phải đóng cửa do lo ngại dịch Covid-19 và hiện vẫn chưa rõ khi nào sẽ mở cửa trở lại.

Một số du khách chia sẻ: “Chúng tôi đã ở đây từ 8h sáng. Chúng tôi có vé cho 11:00 nhưng chúng tôi chưa được thông báo gì nên chúng tôi chỉ chờ đợi xung quanh”.

“Chúng tôi thấy trên Twitter rằng mọi người đã chờ đợi ở đây rất lâu. Chúng tôi sẽ không làm điều đó. Nếu mất quá nhiều thời gian, chúng tôi sẽ đi đến một nơi khác”.

Không chỉ bảo tàng Louvre, mà nhiều sự kiện dự kiến diễn ra trong ngày hôm qua tại Pháp cũng bị hủy bỏ như Triển lãm nông nghiệp hay Giải bán Marathon Paris. Sau Italia, Pháp đang trở thành “ổ dịch” mới tại châu Âu, với khoảng 130 ca nhiễm bệnh, trong đó 2 ca tử vong.

Trong khi đó, quốc gia láng giềng Đức hôm qua cũng chứng kiến số ca nhiễm bệnh tăng gấp đôi so với ngày trước đó lên 129 người, trong đó một nửa là tại bang North Rhine- Westphalia đông dân nhất nước. Giới chuyên gia lo ngại Đức có thể trở thành một ổ dịnh mới. Bởi nếu như tại Hàn Quốc, dịch bệnh lây lan từ một siêu nhà thờ ở thành phố lớn thứ 4 của đất nước, thì tại Đức, lo ngại lại gia tăng từ một cặp vợ chồng tại North Rhine- Westphalia. Do không biết trong người mang virus gây bệnh nên những ngày này đã tham gia nhiều hoạt động xã hội và người vợ thậm chí còn là một giáo viên mầm non. Cơ quan y tế Đức hồi tuần trước đã bày tỏ lo ngại cặp vợ chồng này có thể lây nhiễm Covid-19 cho nhiều người khác.

Hàn Quốc, quốc gia có số ca nhiễm nhiều nhất sau Trung Quốc, hôm qua tiếp tục ghi nhận thêm hàng trăm ca nhiễm bệnh mới, nâng tổng số ca nhiễm bệnh tại nước này lên gần 4.000 người, trong đó 18 ca tử vong.

Chuyên gia Seo Wan-seok thuộc đại học Yeungnam cho biết: “Chúng ta cần phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là sẽ có thêm nhiều trường hợp nhiễm bệnh nữa được xác nhận. Tôi không thể nói điều này có xảy ra hay không, song hi vọng chúng ta có thể chuẩn đoán càng sớm càng tốt các trường hợp nhiễm bệnh và kiểm soát tình hình.”

Tại Mỹ, sau 2 trường hợp tử vong ở bang Washington, nước này cũng ghi nhận 21 ca nhiễm bệnh, chưa kể 47 ca nhiễm bệnh ở nước ngoài được đưa về nước. Tuy nhiên điều đáng lo ngại là nhiều bệnh nhân được chuẩn đoán những ngày qua không có bất kỳ liên hệ nào với các ổ dịch hay tiếp xúc với người bị bệnh. Điều này đã làm gia tăng lo ngại nguy cơ lây nhiễm cộng đồng trên lãnh thổ Mỹ.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, đồng thời là người phụ trách công tác ứng phó dịch Covid-19 tại Mỹ co biết: “Nguy cơ mắc Covid-19 với người dân Mỹ vẫn còn thấp cho dù sẽ có thêm các ca nhiễm virus corona chủng mới. Đánh giá này dựa trên sự tin tưởng của tất cả các chuyên gia sức khỏe tại Mỹ và cũng là những chuyên gia tốt nhất thế giới. Song điều quan trọng là phần lớn các bệnh nhân sẽ được chữa khỏi”.

Lo sợ về bùng phát đại dịch toàn cầu gia tăng, đặc biệt khi virus đang lây lan nhanh hơn khả năng kiểm tra và phát hiện ca bệnh của các quốc gia, Tổ chức Y tế thế giới cuối tuần qua đã nâng cảnh báo dịch bệnh lên mức “rất cao”, đồng thời nhấn mạnh mọi tâm lý chủ quan, cho rằng mình “an toàn” trước dịch bệnh đều có thể trở thành “sai lầm chết người”./.