Cuộc bầu cử lập pháp tại Thuỵ Điển kết thúc trong ngày 9/9 và đã có những kết quả đầu tiên. Theo số liệu được công bố vào nửa đêm 9/9 (theo giờ địa phương), với hơn 2/3 số phiếu được kiểm, liên minh trung tả do đảng Dân chủ-xã hội cầm quyền của Thủ tướng Stefan Lofven dẫn đầu giành được khoảng 40,6% tổng số phiếu của cử tri Thuỵ Điển.

phap_1_fgrv.jpg
Đại sứ  Thụy Điển Pereric Högberg tại điểm bỏ phiếu ở sứ quán Thụy Điển (ảnh: VietnamNet)

Theo sát là liên minh trung hữu, với khoảng 40,1% số phiếu. Đảng cực hữu “Những người Dân chủ Thuỵ Điển” (SD) giành được khoảng 18%-19% số phiếu. Đây chưa phải là kết quả chính thức cuối cùng nhưng nhiều khả năng số phiếu các đảng giành được sẽ không có nhiều biến động.

Kết quả này ghi nhận nhiều điểm đáng chú ý. Thứ nhất, không có liên minh nào giành được đa số để tự thành lập chính phủ. Thứ hai, đảng cầm quyền Dân chủ-xã hội, vốn là chính đảng lớn nhất tại Thuỵ Điển từ hơn nửa thế kỷ qua, đạt kết quả tệ hại nhất trong lịch sử với chỉ khoảng 28% phiếu bầu. Thứ ba, đảng cực hữu “Những người dân chủ Thuỵ Điển” (SD) tiếp tục đà thăng tiến, giành được 18 đến 19% số phiếu, dù con số này thấp hơn so với các dự đoán trước cuộc bầu cử.

Cuộc bầu cử lập pháp vừa diễn ra tại Thuỵ Điển thu hút sự chú ý đặc biệt tại châu Âu và được xem là cuộc bầu cử quan trọng nhất tại nước này trong nhiều năm qua.

Nguyên nhân chính là sự thăng tiến của đảng cực hữu SD, đảng vốn chủ trương chống lại người nhập cư, khiến nhiều người e ngại đảng này sẽ không chỉ phá vỡ cấu trúc chính trị tại Thuỵ Điển mà còn đe doạ mô hình nhà nước phúc lợi và cởi mở mà Thuỵ Điển phát triển thành công trong nhiều thập kỷ qua.

Từ năm 2015, Thuỵ Điển đã tiếp nhận 160.000 người tị nạn đổ về châu Âu và là nước nhận nhiều người tị nạn nhất châu Âu nếu xét trên tỷ lệ dân số, vốn chỉ ở mức trên 10 triệu người của Thuỵ Điển.

 Số người tị nạn này đã gây ra nhiều tranh cãi và rạn nứt trong xã hội Thuỵ Điển do bất đồng văn hoá, hoà nhập thất bại, làm tăng các rủi ro về an ninh cũng như gia tăng sự bất mãn của dân chúng Thuỵ Điển về tình trạng lạm dụng các ưu đãi về an sinh xã hội. Các bất mãn xã hội này đã khiến tỷ lệ ủng hộ đảng cực hữu SD tăng cao. Tại cuộc bầu cử cách đây 4 năm, đảng SD chỉ giành được 13% số phiếu.

Các nhà phân tích nhận định, tình thế giằng co hiện nay trên chính trường Thuỵ Điển sẽ khiến các cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh sắp tới hết sức khó khăn và nhiều khả năng các đảng phái chính thống tại Thuỵ Điển sẽ buộc phải đàm phán với đảng cực hữu SD, dù đã tẩy chay đảng này suốt nhiều năm qua./.