Các chuyên gia pháp lý Hong Kong cho rằng Mỹ có thể phải đối mặt với tiến trình ngoại giao và pháp lý kéo dài thì mới mong đưa được ra tòa người đã tố giác Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) trong vụ giám sát đại quy mô việc sử dụng internet và điện thoại của chính người dân Mỹ.

Các chuyên gia này cho biết bất cứ nỗ lực nào của Mỹ nhằm dẫn độ cựu nhân viên CIA từ Hong Kong về nước vì tội gián điệp đều mất hàng năm trời.

Lời cảnh báo xuất hiện sau khi vào hôm 21/6 có thông tin khẳng định Mỹ đã cáo buộc Edward Snowden với tội danh ăn cắp tài sản chính phủ, cung cấp không có thẩm quyền thông tin quốc phòng và cố tình gửi các thông tin tình báo truyền thông mật cho người không phận sự. Hai cáo buộc sau nằm trong Đạo luật của Mỹ về Gián điệp.

snowden%20tren%20bao%20chi%20hong%20kong.jpg
Snowden xuất hiện trên báo chí Hong Kong (ảnh: AP)

Các nhà lập pháp Hong Kong phản ứng bằng việc kêu gọi Trung Quốc đại lục can thiệp vào vụ việc này.

Snowden, sinh năm 1983, người được cho là đang ẩn náu ở Hong Kong, được nhìn thấy lần cuối vào ngày 10/6. Người ta hiểu rằng anh ta đã liên lạc với các luật sư nhân quyền nhằm đối phó với hành động pháp lý từ phía Mỹ.

Mỹ và Hong Kong đã có hiệp ước dẫn độ từ năm 1998, một năm sau khi Hong Kong trở về với Trung Quốc đại lục. Với hiệp ước này, rất nhiều người Mỹ đã bị đưa về nước để xét xử.

Các chuyên gia pháp lý cho biết, mặc dù hiệp ước không nói rõ về hoạt động gián điệp và ăn cắp bí mật nhà nước, các cáo buộc tương đương có thể được dẫn ra chống lại Snowden dưới sắc lệnh về các bí mật của Hong Kong.

Chưa rõ khung thời gian cho các thủ tục pháp lý này là như thế nào, nhưng theo luật sư Hectar Pun am hiểu mảng nhân quyền, một vụ dẫn độ như vậy có thể mất 3-5 năm.

Nếu giới chức Hong Kong không buộc tội Snowden với 1 tội danh tương ứng thì họ không thể dẫn độ anh ta. Một chuyên gia khẳng định, Snowden về lý thuyết có quyền tự do rời bỏ thành phố cảng này một khi không có cáo buộc.

Simon Young, 1 giáo sư luật tại Đại học Hong Kong, cho hay mặc dù cáo buộc thứ nhất liên quan tội ăn cắp có thể tìm được điều tương đương ở Hong Kong, thì 2 vi phạm sau liên quan đến gián điệp sẽ dễ gây ra tranh cãi tại tòa.

Dưới hệ thống dẫn độ của Hong Kong, một yêu cầu dẫn độ phải thông qua kênh ngoại giao để tới được chính phủ, người quyết định có đưa ra thẩm quyền xúc tiến việc này hay không. Nếu được trao quyền, 1 vị quan tòa sẽ chính thức ký trát bắt giữ Snowden.

Điều 6 của hiệp ước nói trên có nêu rằng nên khước từ việc dẫn độ đối với một tội danh mang đặc điểm chính trị.

Thậm chí ngay cả khi một tòa án nào đó của Hong Kong ra phán quyết dẫn độ Snowden thì lãnh đạo của Hong Kong hoặc Trung Quốc vẫn có thể phủ quyết nó dựa trên lý do an ninh quốc gia hoặc quốc phòng.

Snowden đã thừa nhận tiết lộ bí mật về chương trình giám sát mật của Mỹ mà anh nói anh đã làm vậy vì lợi ích của công chúng. Những người ủng hộ coi anh là người hùng tố giác, còn những người phê bình gọi anh là tội phạm, thậm chí là kẻ phản bội./.