Uy tín của người đứng đầu Chính phủ Anh, cũng như đảng cầm quyền đã bị suy yếu nghiêm trọng sau thất bại trong cuộc bầu cử Quốc hội sớm hồi tháng 6 vừa qua.

theresa_may_yvdy.jpg
Tương lai của nữ Thủ tướng Anh Theresa May đang rất mờ mịt. Ảnh: Reuters

Kỳ đại hội này của đảng Bảo thủ được dư luận không chỉ nước Anh, mà cả châu Âu rất quan tâm, bởi nó sẽ quyết định liệu Thủ tướng Theresa May có thể tiếp tục chèo lái con tàu nước Anh hay không.

Có thể nói, sau cuộc bầu cử Quốc hội sớm ngày 8/6 vừa qua, Thủ tướng Theresa May đã bị xem là nguyên nhân dẫn tới thất bại của đảng Bảo thủ cầm quyền khi không chỉ khiến đảng này mất thế đa số tại Quốc hội và còn khiến uy tín của đảng lao dốc nghiêm trọng.

Sức ép với người đứng đầu Chính phủ Anh lúc này là rất lớn khi vừa phải thúc đẩy tiến trình đàm phán về việc nước Anh rời Liên minh châu Âu, hay còn gọi là Brexit, giữa lúc nội bộ nước Anh đang bị chia rẽ giữa một Brexit cứng hay một Brexit mềm, khi vừa phải trấn an các đối tác Liên minh châu Âu liên tục hối thúc nước Anh phải đưa ra một lập trường rõ ràng.

Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố: “Như tôi đã khẳng định, mặc dù nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, nhưng chúng ta không rời khỏi châu Âu. Vương quốc Anh cam kết vô điều kiện duy trì an ninh châu Âu.

Chúng ta sẽ tiếp tục cung cấp viện trợ và hỗ trợ cho các nước thành viên Liên minh châu Âu trong cuộc chiến chống khủng bố, cứu trợ thiên tai và hỗ trợ các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột vũ trang”.

Theo các nhà phân tích, sau cuộc bầu cử ngày 8/6, bà Theresa May đã bị đảng của mình coi là “người thừa” và việc để bà tiếp tục vai trò lãnh đạo chỉ là nhằm tránh gây ảnh hưởng tới quyền lực hiện nay của đảng Bảo thủ, trong bối cảnh uy tín của lãnh đạo Công đảng dối lập Jeremy Corbyn đang lên nhanh.

Trong một phát biểu mới đây, Lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn đã liên tục chỉ trích người đứng đầu Chính phủ có thể khiến nước Anh phải nhận một thỏa thuận Brexit bất lợi.

 “Chúng ta chỉ còn 18 tháng trước khi rời Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, hiện giờ các cuộc đàm phán chẳng đi đến đâu cả. Chính phủ Anh đang tiêu tốn quá nhiều thời gian để đàm phán nội bộ thay vì đàm phán với Liên minh châu Âu. Nguy cơ về một thỏa thuận Brexit bất lợi đang ngày càng hiện hữu”, ông Jeremy Corbyn nói.

Kết quả là cuộc đua vào vai trò kế nhiệm bà Theresa May đã trở thành đề tài được khai thác triệt để trên báo chí Anh thời gian qua, với việc liên tục đưa ra những cái tên tiềm năng sẽ chuyển vào ngôi nhà số 10 phố Downing, đó là Ngoại trưởng Anh Boris Johnson, với tham vọng trở thành người dẫn dắt nước Anh ngay từ khi còn trên ghế nhà trường hay Bộ trưởng Brexit David Davis.

Trong một động thái được xem là nhằm xoa dịu nội bộ đảng cầm quyền trước Đại hội, Thủ tướng Theresa May hôm qua một lần nữa tuyên bố chịu trách nhiệm trước thất bại của cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 6 vừa qua, thừa nhận đã không làm được những gì đã tuyên bố khi nhậm chức hồi tháng 7 năm ngoái.

Theo các nhà phân tích, bài phát biểu bế mạc Đại hội đảng cầm quyền vào giữa tuần tới sẽ là cơ hội để người đứng đầu chính phủ Anh lấy lại khoảng thời gian đã mất.

Vì thế là không khó hiểu khi trong những phát biểu gần đây, Thủ tướng gần như lấy lại khẩu hiệu tranh cử của ông Jeremy Corbyn khi kêu gọi một xã hội hoạt động vì “tất cả mọi người, chứ không chỉ riêng những người ưu tú”, phá vỡ hình ảnh một đảng Bảo thủ luôn ủng hộ các chính sách thắt lưng buộc bụng hà khắc.

Không chỉ Thủ tướng Theresa May, phát biểu của các đối thủ tiềm năng của bà trong đảng Bảo thủ là Ngoại trưởng Boris Johnson và Bộ trưởng Brexit David Davis cũng được dư luận đặc biệt quan tâm. Nhất là Bộ trưởng Boris Johnson khi ông này mới đây đã có nhiều phát biểu “ngược dòng” về tiến trình Brexit.

Trong bài viết đăng trên tờ “Thư tín hàng ngày” hồi giữa tháng 9 vừa qua, ông Boris Johnson đã bất ngờ nhắc lại lời kêu gọi đưa ra cách đây nhiều tháng, kêu gọi nước Anh lựa chọn một “Brexit cứng”, đồng thời đưa ra những tham vọng với vai trò là người đứng đầu Chính phủ.

Sự khiêu khích này của một thành viên quan trọng trong Chính phủ Anh đã gây ra một cơn địa chấn trên chính trường nước này, có nguy cơ làm sống dậy cuộc chiến về châu Âu ngay trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền, cũng như làm suy yếu lập trường vốn đã rất khó khăn để duy trì của Thủ tướng Theresa May, không chỉ đối với các vấn đề đối nội mà cả trong các cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu.

Vì thế, Đại hội đảng Bảo thủ lần này là rất quan trọng không chỉ đối với đảng cầm quyền, Thủ tướng Theresa May, mà còn là nước Anh. Đối với bà Theresa May, bà sẽ cần phải vượt qua sự kiện này để chứng minh rằng bất chấp tất cả, bà vẫn là lãnh đạo đảng, lãnh đạo đất nước và tiến trình đàm phán với Liên minh châu Âu. Còn đối với Anh, đó là lựa chọn của nước này thời gian tới, đặc biệt là trong các cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu./.