Hình ảnh những chiếc khẩu trang và găng tay y tế dùng một lần tràn ngập tại nhiều bãi biển trên khắp thế giới đang làm dấy lên một thực trạng đáng báo động về tình trạng ô nhiễm rác thải đại dương thời kỳ hậu Covid-19.
Hình ảnh đàn cá bơi giữa những rặng san hô, xung quanh khẩu trang y tế cùng găng tay cao su trải đầy dưới đáy biển được một thợ lặn quay ngoài khơi thành phố Antibes (tỉnh Alpes-Maritimes miền Nam nước Pháp), một trong những khu bảo tồn biển quan trọng nhất ở Địa Trung Hải, đã lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội Facebook từ cuối tháng 5.
Ông Laurent Lombard đến từ tổ chức Chiến dịch Biển sạch - tổ chức phi chính phủ của Pháp điều phối các hoạt động nhặt rác dọc theo vùng biển phía nam nước này vừa nhận định: "Có lẽ sớm thôi chúng ta sẽ có nguy cơ nhìn thấy nhiều khẩu trang hơn là sứa ở Địa Trung Hải".
Các nhà hoạt động vì môi trường cảnh báo, không có các biện pháp xử lý kịp thời thì có lẽ loại “rác thải thời Covid 19” này sẽ ngày càng tràn lan, tác động trực tiếp đến môi trường sống của chúng ta. Và có lẽ những hình ảnh đầy ấn tượng thay cho lời kêu cứu từ đại dương kia chính là lời cảnh tỉnh mọi người về một loại rác thải mới trong thời kỳ đại dịch toàn cầu diễn biến phức tạp.
Diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang đặt ra những thách thức chưa từng có đối với nền kinh tế đại dương, Hội nghị Đối thoại trực tuyến về đại dương vừa được tổ chức tại trụ sở Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở bang Geneva (Thụy Sĩ) tập trung vào giải quyết những thách thức liên quan tới vấn đề ô nhiễm đại dương cũng như xây dựng nền kinh tế xanh.
Trả lời báo giới trước hội nghị, Kristian Teleki, giám đốc Tổ chức Friends of Ocean Action (Tạm dịch là Những người bạn hành động vì đại dương) cho biết: “Lần đầu tiên chúng tôi tổ chức hội nghị trực tuyến về vấn đề đại dương. Bảo vệ đại dương cũng là bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ tài sản của chúng ta. Hội nghị lần này sẽ hướng tới hàng loạt các giải pháp khả quan giải quyết những vấn đề về môi trường mà chúng ta đang hết sức quan tâm.”
Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các nhà môi trường cũng đã từng cảnh báo về mối đe doạ của rác thải nhựa đối với đại dương và các sinh vật biển. Liên Hợp Quốc ước tính, có tới 13 triệu tấn nhựa được vứt xuống đại dương mỗi năm và một nửa số nhựa được sản xuất trên toàn cầu là dành cho các mặt hàng sử dụng một lần.
Theo giới chuyên gia về bảo vệ môi trường, ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề toàn cầu, tồn tại trước khi đại dịch xuất hiện vì vậy các chính phủ càng cần phải cẩn trọng về việc sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào sau đại dịch.
Bởi lẽ dịch Covid-19 sẽ còn diễn biến phức tạp nên khó tránh khỏi thực trạng đáng báo động về ô nhiễm rác thải y tế trên toàn cầu, như những gì các nhà bảo vệ môi trường đang lo ngại rằng các đại dương đang “không thở được” khi rác khẩu trang còn nhiều hơn cả sứa ở đại dương./.