Vào tháng 7/2019, nhà tâm thần học Tamaki Saito – một chuyên gia về vấn đề này, tuyên bố rằng Nhật Bản có thể có khoảng 2 triệu người hikikomori như vậy, cao hơn con số ước tính chính thức của chính phủ Nhật Bản (1,15 triệu người).
Một thanh niên Nhật Bản mắc hội chứng hikikomori, sống cách ly với xã hội. Ảnh: RFI. |
Saito cảnh báo thêm rằng bên cạnh những người hikikomori mới, những người hikikomori thuộc thế hệ cũ vẫn tiếp tục lối sống biệt lập của mình. Tổng số người Nhật Bản rút lui khỏi mọi tương tác xã hội cụ thể có thể lên tới mức 10 triệu người.
Xu hướng các hikikomori trở nên nhiều tuổi hơn và có số lượng đông đảo hơn đã tạo ra gánh nặng cho cả xã hội và gia đình của các hikikomori.
Theo ước tính chính thức của chính phủ Nhật Bản, hiện có 613.000 người hikikomori trong độ tuổi từ 40 đến 64. Một câu hỏi được đặt ra là bao nhiêu hikikomori cao tuổi sẽ sống sót sau khi cha mẹ của họ - những người đáp ứng các nhu cầu hàng ngày của họ, qua đời hoặc bị tàn tật? Một số bậc cha mẹ già cả của các hikikomori thậm chí đã phải dùng đến giải pháp giết chết chính con của mình để những đứa con không phải chịu đau khổ sau khi bố mẹ qua đời.
Áp lực phải hiệu quả về kinh tế
Các nghiên cứu trước đây lập luận rằng nguyên nhân chính cho tình trạng ngày càng nhiều hikikomori ở Nhật Bản có liên quan tới cấu trúc xã hội cứng nhắc của đất nước này, mà theo đó các cá nhân được kỳ vọng phải tuân theo các chuẩn mức kinh tế xã hội nhất định. Những ai không thể trở thành các thành viên có hiệu quả kinh tế cao trong xã hội nhờ đó xử lý được mối quan hệ cá nhân giữa cấp trên và cấp dưới đặc trưng cho mối quan hệ công cộng ở Nhật Bản, thì thường trốn tránh tất cả các tương tác xã hội khi họ chịu áp lực.
Việc xã hội Nhật Bản chưa giúp gì được mấy cho các cá nhân này đã hình thành nên cộng đồng hikikomori.
Lập luận nói trên chắc chắn đúng về việc thiếu hỗ trợ có tính hệ thống cho những ai không thể theo kịp các tương tác xã hội cứng nhắc. Nhưng lập luận đó lại không tính đến một lý do có sức nặng ngang hàng giải thích việc người dân trở thành hikikomori.
Thay vì cố gắng để rồi thất bại trong việc trở thành một phần trong một trật tự tôn ti xã hội đầy căng thẳng, một số hikikomori có thể đơn giản nghĩ rằng ích lợi từ việc tham gia tương tác xã hội thật là không đủ để bù lại cho tất cả các stress cá nhân.
Rốt cuộc, một hikikomori điển hình hiện nay không rơi vào hoàn cảnh kinh tế khó khăn nghiêm trọng. Các phân tích chỉ ra rằng hầu hết trong số họ đến từ các gia đình trung lưu, trong đó cha mẹ đủ khả năng về tài chính để chu cấp cho họ. Với mức độ hỗ trợ kinh tế như vậy, một số hikikomori không thấy có lý do phải mạo hiểm bước vào thế giới vật chất thực.
Cơ hội mất đi khi giam mình trong nhà
Nhưng chỉ có rất ít các hoạt động kinh tế đem lại nhiều lợi lộc mà một người có thể làm mà không phải thực hiện tương tác xã hội mặt đối mặt. Đối với những muốn có triển vọng công việc đem lại nhiều tiền bạc, thì việc đối thoại trực tiếp mặt đối mặt và kết nối xã hội theo kiểu truyền thông vẫn là điều thiết yếu kể cả trong kỷ nguyên internet ngày nay. Các hikikomori bỏ lỡ các cơ hội thăng tiến sự nghiệp như thế.
Tuy nhiên các tham vọng nghề nghiệp cũng ngày càng thiếu nốt trong một thế hệ thanh niên Nhật. Một cuộc điều tra quốc tế đối với những người 18 tuổi trên khắp thế giới cho thấy người Nhật Bản là bi quan nhất về tương lai của chính họ và đất nước họ. Đa số thanh niên Nhật trong cuộc thăm dò này bày tỏ thiếu ham muốn nói về các vấn đề xã hội quan trọng với những người quanh họ hay ham muốn thay đổi xã hội của mình theo hướng tốt đẹp hơn bằng cách trở thành những người lớn có trách nhiệm.
Nói cách khác, so với những người trẻ tương ứng ở các nước khác, thanh niên Nhật Bản có xu hướng lớn lên tránh xa các tương tác với những người khác mà vẫn hài lòng với tình hình hiện tại. Việc thiếu cả khát khao tương tác xã hội lẫn khát khao phát triển về kinh tế hoặc được xem như người lớn đã tạo ra điều kiện hoàn hảo để thanh niên Nhật thuộc các gia đình trung lưu tự cô lập về mặt xã hội khi họ hứng chịu áp lực các môi trường làm việc tại Nhật Bản, từ đó mở rộng hơn nữa đội ngũ hikikomori trong tương lai.
Khi hikikomori trở thành một vấn đề xã hội cấp bách hơn, Nhật Bản cần phải giải quyết vấn đề này từ vài góc độ. Trường học, công ty, và chính quyền tất cả đều cần đưa ra các biện pháp cụ thể để ngăn ngừa thái độ phân biệt đối xử đối với những người ít có năng lực trong các tương tác xã hội và việc tuân thủ nghiêm chế độ tôn ti. Cần áp dụng các chính sách giúp hikikomori giải quyết áp lực tinh thần khiến họ khó bước ra khỏi nhà. Nhưng trong việc giáo dục và “xã hội hóa” thanh niên, quan trọng nhất là phải nhấn mạnh nhiều hơn vào việc gây dựng một văn hóa tham vọng cá nhân, cắm rễ ở các giao tiếp mặt đối mặt thường xuyên hơn và hiệu quả hơn./.