Cơ quan nghiên cứu công nghệ và Cơ quan vận tải độc lập Tom Tom mới đây công bố danh sách các thành phố tắc đường nhất thế giới, trong đó thủ đô Jakarta của Indonesia đứng thứ 10 trong tổng số 416 thành phố khảo sát.
Trong khảo sát của Cơ quan nghiên cứu công nghệ và cơ quan vận tải độc lập TomTom, tình hình tắc đường ở thủ đô Jakarta vào buổi sáng là khoảng 53%, và vào buổi chiều là 62%. Giờ cao điểm, tỉ lệ tắc đường có thể lên tới 98%. Cũng theo dữ liệu mới nhất của cơ quan này, trung bình mỗi năm cư dân Jakarta lãng phí 174 giờ vì tắc đường và mất khoảng 10 năm cuộc đời chỉ để tham gia giao thông.
Tắc đường ở Jakarta gây thiệt hại ít nhất 4 tỷ USD mỗi năm. |
Là thủ đô của Indonesia, cho đến nay, Jakarta đã mở rộng thành một đô thị tích hợp, kết nối với các khu vực lân cận bao gồm Bogor, Depok, Tangerang và Bekasi tạo thành vùng Jabotabek. Mỗi ngày có 88 triệu lượt người di chuyển trong khu vực Jabotabek, tăng so với năm 2015 chỉ là 47,5 triệu lượt. Lưu lượng xe quá lớn dẫn đến việc ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Có khi phải mất khoảng 2-3 giờ để di chuyển quãng đường 40 km trong khu vực Jabotabek.
Chính quyền thành phố Jakarta đã phối hợp với các cơ quan giao thông vận tải thành phố để giải quyết ùn tắc giao thông. Trong đó có việc áp dụng quy định lưu thông theo biển số chẵn/lẻ đối với xe ô tô trên nhiều tuyến nội đô, tăng phí đỗ xe, quy hoạch lại các điểm quay đầu xe...
Tuy nhiên, theo cơ quan quản lý vận tải Jabodetabek, mặc dù giảm 3 bậc so với năm 2019, nhưng tình hình tắc đường tại thủ đô Jakarta được cho là không có sự cải thiện. Chỉ số tắc nghẽn Jakarta vẫn ở mức 53% vào năm ngoái và tắc đường ở Jakarta gây thiệt hại ít nhất 4 tỷ USD mỗi năm, tương đương 0,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Indonesia.
Để giải quyết triệt để vấn đề này, chính quyền thành phố cần có một kế hoạch tổng thể cho cơ sở giao thông và các phương tiện giao thông công cộng, giúp tránh xung đột và tạo sự hài hoà giữa các phương tiện giao thông.
Giám đốc Cơ quan quản lý vận tải Jabotabek, ông Syafin Liputo đưa ra bốn ưu tiên cho việc giải quyết ùn tắc giao thông ở Jakarta, bao gồm: chuẩn bị phương tiện giao thông công cộng cho người dân, cung cấp làn xe thân thiện với môi trường, phát triển hệ thống giao thông tích hợp tàu điện ngầm (MRT), tàu cao tốc (LRT), hệ thống xe buýt nội đô (Transjakarta) với các phương tiện công cộng khác; kiểm soát các phương tiện cá nhân bằng cách không cho lưu thông các phương tiện không vượt qua bài kiểm tra khí thải, song song với đó là khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng thay vì các phương tiện cá nhân.
Chính quyền thành phố cũng kêu gọi người dân nâng cao ý thức tham gia giao thông để đưa Jakarta thoát khỏi top 10 thành phố tắc nghẽn nhất thế giới./.