Chủ tịch Hạ viện Boehner vẫn chưa bớt "căng thẳng" về vấn đề tài chính Mỹ (Ảnh: AP) |
Các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ tin rằng họ sẽ hội đủ số phiếu tán thành để có thể thông qua dự luật nâng trần nợ công, miễn là các nghị sĩ Đảng Cộng hòa tại Thượng viện cho phép dự luật này được thông qua với đa số phiếu.
Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ, Harry Reid nói: “Chủ tịch Hạ viện John Boehner cho rằng không thể hội đủ số phiếu tán thành để có thể đưa chính phủ hoạt động trở lại. Ông ta thật sai lầm. Chúng tôi cũng sẵn sàng đàm phán với các nghị sĩ của Đảng Cộng hòa nhằm đưa chính phủ hoạt động trở lại và tránh cho đất nước rơi vào tình trạng vỡ nợ”.
Trái với tuyên bố trên của ông Harry Reid, Chủ tịch Hạ viện, Hạ nghị sỹ Cộng hòa John Boehner cho biết, Hạ viện do phe Cộng hòa kiểm soát đã làm việc để thông qua các dự luật cho phép Chính phủ hoạt động trở lại, nhưng tất cả các dự luật đều bị Thượng viện do phe Dân chủ chiếm đa số, bác bỏ.
Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa yêu cầu phải tiến hành các cải cách ngân sách một cách rộng rãi, như một phần của thỏa thuận về nâng trần nợ và còn khẳng định sẽ không nhất trí với mọi phương án nâng trần nợ quốc gia nếu không nhận được sự nhượng bộ từ chính quyền Tổng thống Obama.
Do đó, theo giới phân tích, ngay cả khi dự luật nâng trần nợ công được Thượng viện Mỹ thông qua, thì dự luật này cũng khó có thể qua được cửa Hạ viện, nơi đảng Cộng hòa đang chiếm đa số.
Tuy nhiên, với những hậu quả nghiêm trọng tới nền kinh tế của việc không nâng giới hạn nợ công, Đảng Dân chủ rất có thể sẽ đổ lỗi cho các nghị sĩ theo đường lối cứng rắn của Đảng Cộng hòa nếu như nước Mỹ rơi xuống bờ vực vỡ nợ.
Bộ Tài chính Mỹ ước tính rằng, Chính phủ liên bang sẽ hết tiền vào ngày 17/10 tới và nếu như thẩm quyền vay nợ của chính phủ không được nâng lên mức cao hơn thì cũng đồng nghĩa với việc nước Mỹ sẽ vỡ nợ với khối nợ lên tới 16.700 tỷ USD.
Trước những cảnh báo này, Tổng thống Obama ngày 7/10 tuyên bố Nhà Trắng sẵn sàng chấp nhận việc tăng trần nợ một thời gian ngắn nhằm tránh đẩy nền kinh tế Mỹ vào một cuộc khủng hoảng mới.
Tổng thống Obama thậm chí cũng sẵn sàng thương lượng về vấn đề mấu chốt gây tranh cãi trong kế hoạch chi tiêu ngân sách tài khóa 2014 liên quan đến đạo luật cải cách y tế, thường gọi là ObamaCare, với điều kiện sau khi Quốc hội đã thông qua kế hoạch ngân sách và nhất trí tăng trần vay nợ.
Tổng thống Mỹ Obama nói: “Tôi đã đề ra một ngân sách cụ thể trong đó đưa ra các quan điểm của tôi về việc làm thế nào để phát triển nền kinh tế. Tôi hi vọng đảng Cộng hòa cũng làm điều tương tự và chúng ta có thể đàm phán. Tuy nhiên, chúng ta không nên làm tổn thương người dân chỉ vì lợi ích của một bên nào đó trong các cuộc đàm phán”.
Tình trạng công sở liên bang bị đóng cửa kéo dài và nguy cơ vỡ nợ cận kề càng làm gia tăng thái độ phản đối của người dân đối với cả Nhà Trắng lẫn Quốc hội Mỹ.
Theo một kết quả thăm dò do CNN thực hiện được công bố ngày 7/10, đa số người dân Mỹ bày tỏ không đồng tình với các nghị sỹ đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ tại Quốc hội khi để công sở liên bang phải đóng cửa, cũng như không hài lòng với cách giải quyết của chính quyền Tổng thống Mỹ Obama trong các vấn đề tài chính này./.