Ngày 6/3, giao tranh ác liệt đã nổ ra ở thị trấn Toulepleu, gần biên giới với Liberia, giữa lực lượng trung thành với Tổng thống mãn nhiệm Cote d'Ivoire Laurent Gbagbo và nhóm Lực lượng mới (FN) ủng hộ ông Alassane Ouattara, ứng cử viên được quốc tế công nhận thắng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Cote d'Ivoire hồi tháng 11 năm ngoái.FN đã chiếm được thị trấn miền Tây Toulepleu từ tay Lực lượng An ninh-Quốc phòng (DSF) của ông Gbagbo, làm dấy lên mối quan ngại về nguy cơ tái bùng phát nội chiến ở quốc gia Tây Phi này.
Hiện cả hai bên đều xác nhận thị trấn Toulepleu đã nằm dưới sự kiểm soát của FN, trong khi đó, DSF cho biết vũ khí hạng nặng đã được sử dụng trong cuộc giao tranh dữ dội trên.
Giao tranh bùng phát cũng làm tình hình an ninh trật tự ở Cote d'Ivoire trở nên hỗn loạn, khi các nhóm thanh niên đã tiến hành cướp phá ít nhất 10 ngôi nhà của những người có quan hệ với ông Ouattara ở thành phố Abidjan. Các nhân chứng cho biết hàng chục thanh niên đã đập vỡ cửa kính, cửa sổ nhà dân và lấy đi quần áo, đồ dùng sinh hoạt cũng như những thứ có giá trị.
Trước tình hình trên, ngày 6/3, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU), ông Jean Ping đã đến Cote d'Ivoire và thảo luận cùng lúc với Tổng thống mãn nhiệm Laurent Gbagbo và ông Alassane Ouattara nhằm tìm giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị đã kéo dài ba tháng qua tại nước này.
Chủ tịch Jean Ping đã thảo luận với Chủ tịch Hội đồng Hiến pháp của Cote d'Ivoire, ông Paul Yao N'Dre, người đã tuyên bố hủy kết quả bầu cử đối với ông Ouattara do có những tố cáo về gian lận phiếu bầu trong cuộc bầu cử tổng thống gây nhiều tranh cãi.Theo một số nguồn tin, ông Gbagbo và ông Ouattara cũng đã mời năm nhà lãnh đạo, đại diện cho 5 khu vực châu Phi gồm Burkina Faso (Tây Phi), Cộng hòa Chad (Trung Phi), Mauritania (Bắc Phi), Cộng hòa Nam Phi (Nam Phi) và Tanzania (Đông Phi) đến Cote d'Ivoire để thảo luận về tình hình nước này.
Ngày 6/3, ông Ouattara cho biết, ông sẵn sàng tham gia các cuộc hội đàm trên, trong khi phía lực lượng của ông Gbagbo chưa có phản ứng gì./.