Cũng giống như ở Saudi Arabia, tại Ai Cập, nhiều thỏa thuận hợp tác kinh tế thương mại trị giá hàng chục tỷ USD đã được ký kết.

tap_can_binh_byxn.jpg
Chủ tịch Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Ai Cập El-Sisi. Ảnh AFP

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Ai Cập của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ ngày 20-21/1, hai nước đã cam kết thúc đẩy hợp tác song phương theo sáng kiến "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc, đồng thời ký kết 21 thỏa thuận hợp tác kinh tế-thương mại trị giá 15 tỷ USD.

Tại cuộc hội đàm cấp cao với Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi, Chủ tịch  Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, Trung Quốc sẵn sàng ủng hộ Ai Cập các nỗ lực duy trì ổn định, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của người dân, cũng như ủng hộ Ai Cập giữ một vai trò lớn hơn trong các vấn đề quốc tế và khu vực.

Đề cập tới chyến thăm này, Đại sứ Trung Quốc tại Ai Cập Tống Ái Quốc cho biết: "Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Ai Cập là mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra vào thời điểm quan hệ hai nước đang bước vào một giai đoạn mới, với việc làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước trong các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa và du lịch".

Phát biểu tại cuộc gặp cùng ngày với Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Nabil al-Arabi ở thủ đô Cairo, ông Tập Cận Bình nêu rõ, Trung Quốc sẽ hỗ trợ thế giới Arab giải quyết các vấn đề khó khăn của khu vực, nhất là hỗ trợ tài chính, cứu trợ nhân đạo, chống khủng bố và thúc đẩy phát triển.

Theo nhà lãnh đạo Trung Quốc, nước này sẽ cấp cho một số nước Trung Đông các khoản tín dụng lên tới 35 tỷ USD. Một quỹ đầu tư chung trị giá 20 tỷ USD cũng sẽ được thành lập giữa Trung Quốc, Qatar và UAE.

Là một đồng minh lâu đời của Ai Cập, một nước bạn bè với Iran và Saudi Arabia, Trung Quốc muốn thông qua việc tăng cường hơn nữa các mối quan hệ kinh tế để có thể gây tác động một cách gián tiếp  tới các hồ sơ ngoại giao mà nước này không thể bỏ qua.

Sau Ai Cập, ngay tối cùng ngày, Chủ tịch Trung Quốc đã lên đường sang Iran và đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo nước ngoài tới Iran kể từ khi phương Tây chính thức dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với nước Cộng hòa Hồi giáo hồi tuần trước, mà Trung Quốc cũng là một quốc gia tham gia đàm phán về thỏa thuận này. 

Chính vì thế, một số nhà phân tích cho rằng, ngoài mục đích kinh tế, chuyến công du của ông Tập Cận Bình tới Trung Đông cũng là nhằm thể hiện sự sẵn sàng gây ảnh hưởng về ngoại giao lên một trong những khu vực biến động nhất thế giới./.