Truyền thông Australia ngày 3/2 dẫn nguồn tin của các cơ quan thông tấn New Caledonia cho biết, chính phủ quốc đảo Thái Bình Dương đã chính thức sụp đổ sau khi 5 chính trị gia trong chính phủ từ chức do bất đồng quan điểm với 6 thành viên còn lại. Theo hiến pháp của New Caledonia, trong 15 ngày tới Quốc hội nước này sẽ phải nhóm họp để bầu ra chính phủ mới.

Từ năm ngoái, các thành viên trong chính phủ New Caledonia đã có nhiều bất đồng sâu sắc liên quan đến các vấn đề kinh tế xã hội bao gồm việc nước này tách khỏi Pháp để trở thành một quốc gia độc lập, giải pháp cho cuộc khủng hoảng ngân sách do hậu quả của đại dịch Covid-19 và việc quản lý tài nguyên khoáng sản.

Một lý do quan trọng dẫn đến 5 thành viên chính phủ từ chức là bất đồng trong việc bán mỏ khai thác niken quan trọng của nước này. Những người phản đối cho rằng mỏ niken thuộc sở hữu của công ty khai khoáng Vale của Brazil cần được bán cho các doanh nghiệp địa phương và chính quyền quốc đảo phải nắm quyền kiểm soát hoạt động của mỏ này. Trong khi đó các thành viên chính phủ khác ủng hộ việc công ty Vale muốn bán tài sản cho một tập đoàn đa quốc gia của châu Âu. Bất đồng liên quan đến việc công ty khai thác niken, nơi cung cấp 3.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp cho người dân địa phương, đã dẫn đến bạo động trong tháng 12 vừa qua.

New Caledonia hiện là quốc gia sản xuất niken lớn thứ 4 thế giới, chỉ đứng sau Indonesia, Philippines và Nga. Niken hiện được sử dụng để sản xuất thép không gỉ và dự kiến nhu cầu niken sẽ tăng mạnh trong thời gian tới do đây là một loại nguyên liệu quan trọng để sản xuất pin cho các loại xe chạy điện.

New Caledonia là một quốc đảo trên khu vực Nam Thái Bình Dương, cách Australia 1.200 km về phía Đông và chỉ có khoảng 290.000 dân. Quốc đảo này là một lãnh thổ thuộc Pháp từ năm 1853, nhưng có quyền tự trị lớn. Theo Hiệp ước Noumea được ký năm 1998,  Tổng thống quốc đảo này phải là người thuộc phe phản đối nền độc lập hoàn toàn, trong khi Phó tổng thống phải là một chính trị gia ủng hộ độc lập.

Tháng 10/2020, người dân New Caledonia đã tham gia một cuộc trưng cầu ý dân thứ 2 về việc có nên tách khỏi Pháp để trở thành quốc gia độc lập hoàn toàn hay duy trì là một lãnh thổ tự trị thuộc Pháp như hiện nay. Kết quả cuộc trưng cầu ý dân cho thấy, người dân quốc đảo đã quyết định sẽ tiếp tục là một phần của nước Pháp. Dự kiến vào năm 2022, New Caledonia sẽ tổ chức trưng cầu ý dân thứ 3 về vấn đề độc lập. Trước đó, trong cuộc trưng cầu ý dân đầu tiên, người dân New Caledonia cũng đã bác bỏ ý định tách ra khỏi Pháp để trở thành một quốc gia độc lập./.