Chỉ hơn 1 tuần sau khi nhậm chức, Chính phủ đoàn kết dân tộc Palestinee đã nảy sinh mâu thuẫn, đe dọa đến thỏa thuận lịch sử giữa phong trào Fatah và phong trào Hồi giáo Hamas, vốn nhằm gắn kết người dân đã bị chia trong nhiều năm qua và thực hiện giấc mơ độc lập của người Palestine. 

chinh-phu-palestine_imeh.jpg 

Tổng thống Palestine Mahmud Abbas (giữa) và các Bộ trưởng Chính phủ đoàn kết mới tại Ramallah ngày 2/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)

 

Các bất đồng nảy sinh liên quan đến những cao buộc gây hấn và vấn đề trả lương cho lực lượng của Hamas tại Dải Gaza, khu vực do lực lượng Hồi giáo kiểm soát từ năm 2007. Chính phủ đoàn kết dân tộc Palestine mới tuyên thệ nhậm chức hôm 2/6, song theo một nhà lãnh đạo của Hamas, khoảng cách bất đồng giữa Hamas và phong trào Fatahcủa Tổng thống Mahmoud Abbas đang ngày càng lớn hơn.

Chính phủ đoàn kết dân tộc của Palestine đã thất bại trong giải quyết vấn đề tiền lương cho hơn 40.000 công chức làm việc cho Hamas tại Dải Gaza, khi yêu cầu xem xét chặt chẽ lý lịch của những công chức này trước khi trả lương. Sự việc đã dẫn đến phản ứng giận dữ của lực lượng cảnh sát tại Dải Gaza. Họ yêu cầu đóng cửa các ngân hàng trong khu vực này cho đến khi vấn đề được giải quyết. 

Căng thẳng cũng lan tới gần Khu Bờ Tây từ đầu tuần, khi Hamas nói rằng lực lượng an ninh trung thành với Tổng thống Abbas đã sử dụng vũ lực để giải tán cuộc míttinh do Hamas tổ chức. Phát biểu trước báo giới tại thành phố Ramallah ở Khu Bờ Tây, nhà lãnh đạo cấp cao Hamas Hasan Yousef hôm qua nói: “Kể từ khi thỏa thuận hòa giải dân tộc được ký kết, khoảng cách giữa Hamas và Fatah trở nên lớn hơn. Họ đang muốn ép chúng tôi nói rằng chúng tôi không muốn hòa giải. Hamas và người dân tại Dải Gaza đều mong muốn thực hiện hòa giải dân tộc”

Trong khi đó, nguồn tin an ninh tại Khu Bờ Tây cho biết, cảnh sát chỉ can thiệp khi những người biểu tình bắt đầu giơ khẩu hiệu chống lại chính quyền của Tổng thống Abbas. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Hamas Hasan Yousef đã bác bỏ cáo buộc này. Fatah cũng cáo buộc các nhà hoạt động Hamas đã tấn công những người ủng hộ Fatah ở thành phố Hebron, tại Khu Bờ Tây, trong ngày đầu tuần qua làm 4 người bị thương. Những cáo buộc lẫn nhau về các hành động gây hấn cho thấy sự thù địch và đối đầu vẫn tồn tại ở Palestine.

Người dân Palestine luôn hy vọng sau nhiều năm chia rẽ giữa Hamas và Fatah, việc thành lập được chính phủ đoàn kết dân tộc sẽ mở đường cho một tiến trình hòa giải thực sự và tiến tới một cuộc bầu cử vốn bị trì hoãn quá lâu. Song, mẫu thuẫn lại gia tăng chỉ sau hơn 1 tuần chính phủ đoàn kết dân tộc nhậm chức, khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Đặc biệt tại Dải Gaza, vùng đất bị Israel phong tỏa trong suốt 7 năm qua, kể từ khi phong trào Hamas kiểm soát khu vực này. 

Người dân Dải Gaza lo ngại vấn đề tiền lương không được giải quyết, khu vực này sẽ chịu thêm gánh nặng kinh tế, vốn đã rất khó khăn vì bị phong tỏa. Anh Faraj Abu Naja, một người dân Dải Gaza chia sẻ:“Chúng tôi yêu cầu Tổng thống Abbas giải quyết vấn đề tiền lương. Vì nền kinh tế tại Dải Gaza hoạt động và  phụ thuộc chủ yếu vào nguồn tiền lương của các công chức”.

Chính phủ đoàn kết dân tộc đầu tiên trong 7 năm qua tại Palestine gồm 17 bộ trưởng, là các nhà kỹ trị độc lập và không có đại diện của hai phái Fatah và Hamas. Giới chuyên gia cho rằng, thỏa thuận của Fatah và Hamas là một ràng buộc mà 2 bên cùng cần đến nhau, khi Tổng thống Abbas muốn gây sức ép cho Ixraen sau các nỗ lực đàm phán hòa bình thất bại, còn Hamas đang đối mặt với khó khăn tài chính. Đây được coi là một bước đột phá để tiến tới hòa giải mối quan hệ rạn nứt giữa hai phái và hiện thực hóa giấc mơ về một nhà nước độc lập có chủ quyền của người dân Palestine sau nhiều năm chia rẽ./.