Trong số đó có 1 trung tâm huấn luyện, 1 nhà máy chế tạo đai để đánh bom liều chết, 3 kho đạn và 4 trung tâm chỉ huy ở các tỉnh Idlib và Raqqa. Đợt không kích này diễn ra trong bối cảnh có nhiều quan điểm trái chiều liên quan đến chiến dịch không kích của Nga tại Syria.

Tuyên bố của Nga khẳng định các cuộc không kích đã làm gián đoạn cơ chế kiểm soát, đường tiếp tế của tổ chức khủng bố, và gây thiệt hại đáng kể cho cơ sở hạ tầng mà Tổ chức Nhà nước Hồi giáo sử dụng để chuẩn bị cho các hành động khủng bố. 

5_6093_1444013747_cfbg.jpg
Máy bay Nga trở về căn cứ sau khi không kích IS ở Syria. (Ảnh: Instagram).

Trong khi đó, cư dân địa phương và Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết, các cuộc không kích được cho là do máy bay Nga thực hiện đã bắn trúng các mục tiêu ở thị trấn Talbiseh, phía Bắc thành phố Homs và cả ở tỉnh Hama gần đó.

Chiến dịch không kích của Nga tại Syria vấp phải sự phản đối của nhiều nước phương Tây. Thủ tướng Anh David Cameron đã chỉ trích đây một “sai lầm khủng khiếp”.

Ông Cameron cho rằng, đa số các cuộc không kích của Nga tại Syria không nhằm vào Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng như liên quân do Mỹ dẫn đầu mà nhằm vào lực lượng “đối lập” ở Syria.

Theo ông Cameron, đây đơn thuần là hành động để giúp Tổng thống Bashar al-Assad và điều này sẽ là một “sai lầm khủng khiếp” cho cả thế giới.

“Nó sẽ khiến khu vực này thêm bất ổn. Nó sẽ dẫn đến sự cực đoan hóa sâu sắc hơn và làm gia tăng chủ nghĩa khủng bố. Tôi kêu gọi Nga thay đổi và gia nhập liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng của chúng tôi, và hãy thừa nhận rằng nếu muốn có khu vực ổn định, chúng ta cần phải có nhà lãnh đạo thay thế ông al-Assad bởi ông ấy không thể đoàn kết người dân Syria”, ông Cameron nói.

Trả lời phỏng vấn Kênh Truyền hình Al-Khabar của Iran ngày 4/10, Tổng thống Bashar al-Assad nói rằng, một chiến dịch quân sự do Nga và Syria cùng các đồng minh tiến hành sẽ quyết định số phận của Trung Đông. Nếu Syria, Nga, Iran và Irắc đoàn kết trong cuộc chiến chống khủng bố thì nó sẽ mang lại những kết quả thực sự.

“Chiến dịch này cần phải thành công, nếu không chúng ta sẽ phải đối mặt với sự sụp đổ của toàn khu vực, không chỉ 1 hay 2 nước. Nhưng sự hỗ trợ của 1 số nước đối với một số tổ chức khủng bố sẽ khiến cái giá phải trả là rất đắt. Nếu những nước đó tham gia liên minh một cách thực sự và chân thành nhằm chống khủng bố, ít nhất là bằng cách chấm dứt hỗ trợ khủng bố, nó sẽ dẫn tới thành công mà tất cả chúng ta đều mong đợi”, Tổng thống Bashar al-Assad cho biết.

Ông al-Assad cũng nói rằng, chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu nhằm vào Tổ chức Nhà nước Hồi giáo suốt một năm qua đã không mang lại kết quả như ý muốn, không những không làm suy yếu Tổ chức này mà còn làm chủ nghĩa khủng bố lan rộng ra nhiều vùng lãnh thổ với chiến dịch tuyển mộ lớn của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Điều này cũng khiến nhiều nước trong khu vực ủng hộ chiến dịch không kích do Nga tiến hành.

Ngay từ những ngày đầu Nga tiến chiến dịch không kích, Iran đã cho rằng, chiến dịch quân sự của Nga nhằm vào các nhóm khủng bố vũ trang ở Syria là một bước đi trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, phù hợp với việc giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay trong khu vực.

Còn Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cho biết, ông sẽ xem xét việc cho phép Nga tiến hành không kích nhằm vào các phần tử thánh chiến Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trên lãnh thổ Irắc nếu Nga đề nghị.

Trong khi đó, Ai Cập cũng đã công khai ủng hộ sự can thiệp quân sự của Nga tại Syria, cho rằng động thái của Nga sẽ giúp hạn chế sự lây lan của chủ nghĩa khủng bố tại quốc gia Trung Đông vốn đang chìm trong xung đột này và thúc đẩy một giải pháp chính trị cho vấn đề an ninh ở Trung Đông.  

Phát biểu trên một kênh truyền hình của Ai Cập cuối tuần qua, Ngoại trưởng Sameh Shoukry nhấn mạnh, sự can thiệp của Nga sẽ đem lại hiệu quả trong việc ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố và loại bỏ nó. 

Mặc dù Ai Cập đã tránh thể hiện sự ủng hộ đối với Tổng thống Syria al-Assad, nhân vật mà Saudi Arabia, đồng minh thân cận nhất của Ai Cập, muốn hạ bệ, nhưng việc Ai Cập công khai ủng hộ Nga can thiệp quân sự vào Syria đang thách thức trực tiếp sự can dự của Saudi Arabia trong cuộc xung đột Syria, Ngoại trưởng Sameh Shoukry cho biết thêm./.

>> Xem thêm: Nước cờ hiểm hóc của Putin tại Syria