Theo Giáo sư Odon Vallet, chuyên gia về luật công cộng, giảng viên tại các trường Paris 1 Pantheon – Sorbonne và Paris VII Diderot, dù bày tỏ thái độ "lấy làm tiếc" trước thông tin và đòi lời giải thích rõ ràng từ phía Mỹ, song về cơ bản không quốc gia châu Âu nào hào hứng với việc đón nhận nhân vật đang bị Mỹ truy lùng này.
PV Đài TNVN thường trú tại Pháp phỏng vấn ông Odon Vallet về vụ bê bối tình báo đang đe dọa đến quan hệ giữa Mỹ và châu Âu.
** PV :Thưa Giáo sư, ngày 2/7 có thông tin Phần Lan từ chối đơn xin tị nạn của cựu nhân CIA Mỹ Edward Snowden, một quyết định tương tự ở nhiều quốc gia châu Âu khác.Ông nghĩ sao về quan điểm của các chính phủ châu Âu khi mà trước đó có không ít ý kiến chỉ trích Mỹ, về việc đón nhận nhân vật đã tiết lộ rằng nước Mỹ cài thiết bị theo dõi tại các văn phòng của các đối tác châu Âu?
Ông Odon Vallet: Rất khó cho châu Âu đưa ra quyết định mà không làm mất lòng nước Mỹ, vì nhiều nước châu Âu là đồng minh của Mỹ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đặt giả thuyết nếu ông Snowden đến châu Âu, thì sẽ ra sao? Khi đó nếu nước Mỹ yêu cầu dẫn độ ông này sẽ phải làm đúng tất cả hiệp định dẫn độ mà Mỹ đã ký với từng nước châu Âu. Nhìn tổng thể, rõ ràng chẳng ai thích đón trên lãnh thổ mình một người có thể gây vấn đề, dù đó là nước nào. Châu Âu cũng vậy, họ không hào hứng gì, có thể vì thận trọng, vì sự tôn trọng hoặc vì tính toán khôn ngoan nên không muốn đón một người có thể sẽ gây thêm vấn đề cho mối quan hệ châu Âu và Mỹ vốn đã có quá nhiều vấn đề, điển hình trong lĩnh vực kinh tế chẳng hạn.
Giáo sư Odon Vallet |
Điểm khó nữa là chúng ta đang lâm vào một tình cảnh hoàn toàn mới đối với nhân loại. Các công nghệ hiện đại ngày nay cho phép chúng ta liên lạc càng nhiều, thì lại càng dễ bị tiếp cận các thông tin riêng. Theo tôi sẽ phải mất nhiều năm để tìm giải pháp cũng như quy định pháp lý cho vấn đề này. Công nghệ ngày nay cho phép ghi lại nhiều dữ liệu và nhiều người có thể sử dụng, tiếp cận các công nghệ đó. Từ những chuyên gia cao cấp đến những người bình thường nay có thể tìm trên màn hình những thông tin nhiều khi ảnh hưởng đến bí mật quốc gia và dễ dàng phát tán những sự thật mà không được phép.
Trong khi đó hệ thống quản lý chưa có đủ kinh nghiệm, để quản lý cách thức của những người vào mạng. Ngày xưa người ta nói đến "cái lý của quốc gia" để bảo vệ các thông tin, nhưng nay người ta thích nói đến "sự minh bạch" nhưng liệu có thể và có nên có một sự minh bạch "hoàn toàn" hay không lại là một vấn đề khác, vì minh bạch "hoàn toàn" có thể liên quan đến những bí mật quân sự nhạy cảm, hoặc liên quan đến những dữ liệu nhạy cảm của một số người hay một số cơ quan.
** PV: Ông là chuyên gia về Luật công cộng, xin ông cho biết, châu Âu có những quy định chặt chẽ về việc cấm theo dõi các thông tin bí mật cơ quan hay riêng tư như trong vụ việc lần này hay không?
Ông Odon Vallet: Tôi nghĩ đó đúng hơn là Luật quốc tế sẽ quy định việc đó. Và Luật quốc tế dựa trên sự tương hỗ giữa các quốc gia. Ví dụ châu Âu đã bày tỏ lấy làm tiếc nếu có thật chuyện nước Mỹ đặt hệ thống nghe lén về nhiều vấn đề, trong những văn phòng của các cơ quan, các chính phủ châu Âu.
Điểm mới ngày nay là với các phương tiện công nghệ mới, các thông tin "nóng hổi" thường phát tán rất nhanh, nhiều khi chưa được xác nhận là đúng hay sai, hiện thực hay phi lý, hay đã bị bóp méo. Ngày nay, nếu bạn vào mạng Internet, bạn sẽ thấy mọi thông tin của bạn bị biết đến, với các mạng xã hội Facebook, Wikipedia…
Cụ thể trong quan hệ Mỹ - châu Âu, điều gây lo lắng cho châu Âu là Mỹ có thể biết quá nhiều. Ví dụ chính quyền Mỹ biết nhiều về các hành lý, chủ các kiện hành lý tại các sân bay của châu Âu, tại sân bay Roissy của Pháp hay Franfurt, Đức… vì họ sợ có những hành lý thuộc về những kẻ khủng bố Al Qeada chẳng hạn. Nước Mỹ có lý khi lo lắng đến an toàn của các chuyến bay và châu Âu đồng ý. Nhưng một khi các thông tin riêng tư, vấn đề tôn giáo của một ai đó chẳng hạn ở châu Âu cũng bị biết rõ ở một nơi ở xa lắc xa lơ thì rõ ràng gây lo ngại.
** PV: Hiện đã xảy ra nhiều vấn đề khá nghiêm trọng về quan hệ quốc tế như việc máy bay của Tổng thống Bolivia bị ngăn chặn và yêu cầu hạ cánh khẩn cấp tại châu Âu do lo ngại có thể có cựu nhân viên an ninh Mỹ trên máy bay. Ông nghĩ như thế nào về nguy cơ lục đục ngoại giao giữa châu Âu với Nga và một số quốc gia khác liên quan đến nhân vật này?
Ông Odon Vallet: Tôi cho rằng cần rất thận trọng trong những vụ việc liên quan đến tình báo, hệ thống nghe lén bí mật… Chúng ta có thể tiếp cận những điều không phải là sự thật, nên rất khó bình luận. Nhưng dĩ nhiên phải tính toán và dự phòng những gì có thể xảy ra. Nước Mỹ là cường quốc lớn nhất trên thế giới, họ có lý khi cho rằng nhiều vụ việc gây lo ngại đến an ninh của họ nhưng nhiều khi họ thái quá, thấy quá nhiều thứ đe dọa đến họ. Tổng thống Obama cũng biết về sự thái quá này nhưng ông Obama có thể không được tự do làm mọi điều ông ấy muốn trong vấn đề này. Ngay đến một Đức Giáo hoàng cũng từng nói rằng: ở Vatican có 12 người ở phía trên tôi, ý nói đến các hồng y giáo chủ. Thế thì có thể ở Nhà Trắng cũng có những nhân vật cao phía trên Tổng thống Obama. Nếu mọi việc có thể giải quyết giữa các nhà lãnh đạo nhà nước, tôi cho rằng có thể dễ tìm giải pháp, nhưng chính những người đứng đầu chính phủ cũng không được tự do hành động mà chịu ảnh hưởng từ Quốc hội, từ hệ thống an ninh, từ nhiều yếu tố và nhân tố khác…
** PV : Vâng, Xin cảm ơn ông!.