Hôm qua (30/4), Áo tiến hành các cuộc thảo luận với Liên minh châu Âu (EU) về việc gia hạn các biện pháp kiểm soát biên giới, vốn được áp dụng từ năm ngoái và sắp hết hạn vào ngày 12/5 tới, nhằm hạn chế dòng người di cư kéo tới châu Âu.

nguoi_di_cu_sang_chau_au_tiub.jpg
Người di cư sang châu Âu. Ảnh: Guardian.

Động thái này diễn ra sau khi một số nước thành viên của Liên minh châu Âu đang gia tăng áp lực yêu cầu EU tạm thời gia hạn kiểm soát biên giới trong Khu vực miễn thị thực Schengen ít nhất thêm 6 tháng.

Người phát ngôn của Bộ Nội vụ Áo Karl-Heinz Grundboeck khẳng định nước này đang thảo luận với Uỷ ban châu Âu (EC) và các đối tác châu Âu về việc kéo dài hoạt động kiểm soát biên giới.

Hồi tháng 9/2015,  Liên minh châu Âu đã cho phép các nước thành viên áp dụng biện pháp nhằm hạn chế hàng trăm nghìn người di cư và tị nạn từ Hy Lạp kéo tới khu vực Balkan để từ đây tìm cơ hội tới các nước Bắc và Tây Âu. Các nước gồm Áo, Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Đức và Thụy Điển đều khép chặt cửa biên giới trong bối cảnh "Lục địa già" đang phải "vật lộn" với cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giớithứ 2.

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas De Maiziere cho biết, việc kiểm soát biên giới dọc tuyến đường Balkan đã phát huy hiệu quả khi số người di cư vào Đức giảm hẳn từ đầu năm nay. Do đó, việc nới rộng thời gian kiểm soát biên giới là cần thiết để có thể đối phó một dòng người di cư mới vào châu Âu trong thời gian tới.

 “Tôi đã từng nói rằng, tuyến đường qua Balkan là của quá khứ. Sẽ không còn chuyện làn sóng người di cư đổ về Đức, Áo, trung tâm châu Âu qua con đường này nữa. Đây là quan điểm chung của nhiều nước trong khối”.

Ông Maiziere cho biết, Đức sẽ yêu cầu Ủy ban châu Âu gia hạn việc kiểm soát biên giới sau ngày 12/5 tới. Đây cũng là sáng kiến chung của Pháp, Áo, Bỉ, Đan Mạch và Thụy Điển. Thư yêu cầu chung của 6 nước này sẽ được gửi đến Brúc-xen ngày mai.

Hãng tin Reuters của Anh dẫn nguồn tin Ủy ban châu Âu cho biết, rất có thể cơ quan này sẽ bật đèn xanh cho việc gia hạn kiểm soát biên giới thêm 6 tháng.

Trong một diễn biến liên quan tới người di cư, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu hôm qua cho biết, số người di cư và tị nạn muốn tới Hy Lạp từ Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm đi trong tháng 4, sau khi thỏa thuận giữa Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ chính thức được thực hiện.

Phát biểu tại Ankara, ông Davutoglu  cho biết: “Sau ngày 4/4, số người di cư tới châu Âu bằng các con đường bất hợp pháp đã giảm xuống còn 2 con số. Riêng trong ngày 4/4, thậm chí là không một người nào cố tìm cách vượt biển Aegean để tới các hòn đảo của Hy Lạp. Con số của cả tháng 4 chỉ tầm 80 đến 90 người, giảm rất nhiều so với 6.800 người trước đó. Đó là dấu hiệu rõ ràng cho thấy công việc mà Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành với Liên minh châu Âu là một thành công”.

Theo thỏa thuận, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp nhận trở lại những người di cư và tị nạn theo cơ chế một đổi một với Liên minh châu Âu để ngăn chặn dòng người di cư và tị nạn bất hợp pháp không ngừng đổ về châu Âu. Đổi lại Liên minh châu Âu sẽ hỗ trợ hàng tỷ euro cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Ước tính, trong số hàng triệu người chạy khỏi chiến tranh và đói nghèo từ Trung Đông, Bắc Phi để tới châu Âu, hàng nghìn người đã phải bỏ mạng trên những hành trình đầy nguy hiểm từ Thổ Nhĩ Kỳ tới các hòn đảo của Hy Lạp.Tính từ tháng 1/2016, đã có gần 183.000 người di cư đến châu Âu bằng đường biển, và 1.261 người được cho là đã thiệt mạng hoặc mất tích./.