Cuộc khủng hoảng chính trị tại Cộng hòa Trung Phi tiếp tục diễn biến phức tạp khi mà cả chính phủ và lực lượng nổi dậy đều giữ quan điểm cứng rắn và không chấp nhận các điều kiện mà đối phương đưa ra. Chính phủ Cộng hòa Trung Phi cho biết, lực lượng nổi dậy Seleka tiếp tục giành thêm quyền kiểm soát 2 thị trấn gần thành phố Bambari, bất chấp việc lực lượng này đã tuyên bố ngừng bắn để bắt đầu đàm phán với chính phủ, dự kiến vào ngày 8/1 tới tại Gabong.
Theo kế hoạch đã được các bên nhất trí, Chính phủ Cộng hòa Trung Phi và liên minh Seleka gồm ba nhóm đối lập sẽ bắt đầu đàm phán từ ngày 8/1 tại thủ đô Libreville của Gabon, do Tổng thống Cộng hòa Congo Denis Sassou Nguesso làm trung gian.
Tuy nhiên, cho đến nay, các bên tiếp tục giữ lập trường cứng rắn và đưa ra các điều kiện mà đối phương không chấp nhận. Lực lượng nổi dậy Seleka cho biết sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào hòa bình nào, nếu Tổng thống Francois Bozize tiếp tục tại nhiệm và coi đây là điều kiện tiên quyết trong các cuộc đàm phán sắp tới tại Gabon.
Trong khi đó, Thủ tướng Cộng hòa Trung Phi Archange Touadera ngày 5/1 khẳng định, các yêu cầu của lực lượng đối lập sẽ không bao giờ được chấp nhận tại cuộc đàm phán ở Gabon: “Tổng thống Bozize được bầu để nắm giữ nhiệm kỳ 5 năm và ông sẽ tiếp tục nắm quyền cho đến hết nhiệm kỳ. Do đó, đây không phải là chủ đề chính trong chương trình nghị sự tại Gabon”.
Chính phủ Cộng hòa Trung Phi cáo buộc lực lượng nổi dậy không thực hiện cam kết ngừng bắn để đàm phán. Bộ trưởng quản lý lãnh thổ Cộng hoà Trung Phi Josue Binoua ngày 5/1 cho biết, Liên minh nổi dậy Seleka đã giành quyền kiểm soát 2 thị trấn gần Bambari. Đây là thành phố lớn thứ 3 của Trung Cộng hoà Trung Phi đã rơi vào tầm kiểm soát của lực lượng nổi dậy từ ngày 23/12 vừa qua. Hiện lực lượng nổi dậy chỉ còn cách thủ đô Bangui khoảng 75 km, đồng thời chiếm giữ con đường huyết mạch chính nối các tỉnh với thủ đô.
Trong khi triển vọng về một giải pháp chính trị còn “mơ hồ”, thì các cuộc tấn công của lực lượng nổi dậy đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế cũng như đời sống của người dân Cộng hòa Trung Phi.
Theo Thủ tướng Touadera, do ảnh hưởng của xung đột, sản lượng ngành công nghiệp đường và khai thác gỗ của nước này dự kiến giảm từ 70 cho đến 80% so với thời điểm trước xung đột. Tiếp đến là ngành thực phẩm và nông nghiệp với sản lượng giảm 50%. Điều này đã khiến nguồn cung cho thị trường thủ đô và các vùng xung quanh bị ảnh hưởng nặng nề.
Ông Lu-i-dơ, một doanh nhân tại thủ đô Banghi cho biết: “Lực lượng nổi dậy phong tỏa nhiều tuyến đường, làm tê liệt giao thông. Giá thịt hun khói tăng cao so với trước đây, nguồn cung bị gián đoạn vì không thể vận chuyển hàng hóa đến Banghi”.
Nhiều người dân ở thủ đô Banghi ngày 5/1 xuống đường tuần hành với hy vọng các bên sẽ đạt được thỏa thuận chấm dứt cuộc khủng hoảng tại các cuộc đàm phán sắp tới ở Gabon.
Một người dân bày tỏ:“Chúng tôi muốn hòa bình, muốn đất nước phát triển. Hãy chấm dứt chiến tranh”.
Người dân khác bày tỏ: “Chúng tôi rất lo lắng về những vấn đề của đất nước, vì chúng ta là một nước nghèo, một nước nhỏ với nền kinh tế yếu kém. Chúng tôi nghĩ rằng các cuộc đàm phán ở Gabon sẽ tìm ra một giải pháp”.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng đã kêu gọi lực lượng nổi dậy tại Cộng hòa Trung Phi chấm dứt các cuộc tấn công quân sự và rút khỏi các thành phố mà lực lượng này chiếm giữ. Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc nêu rõ những hoạt động quân sự của lực lượng nổi dậy hủy hoại nghiêm trọng an ninh và ổn định của Cộng hòa Trung Phi, đe dọa dân thường và cản trở việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo.
Cộng hòa Trung Phi, với dân số khoảng 4,5 triệu người, thường xuyên xảy ra các cuộc nổi dậy và chống đối kể từ khi nước này giành độc lập từ Pháp năm 1960. Bản thân Tổng thống Bozize cũng lên nắm quyền lãnh đạo đất nước sau một cuộc đảo chính năm 2005./.