Thiếu tin tưởng vào thể chế chính trị là vấn đề chính của tiến trình chính trị của Bulgaria và vi phạm nghiêm trong trong chiến dịch bầu cử tại nước này phải được điều tra kỹ lưỡng.

Đây là tuyên bố của nhóm quan sát viên quốc tế trong cuộc bầu cử ở Bulgaria. Phát biểu trong cuộc họp báo ở Sofia, người đứng đầu phái đoàn giám sát bầu cử của Hội đồng châu Âu, ông Andreas Gross cho biết: “Vụ bê bối về phiếu bầu cử giả bị phát hiện gần đây, không cần thêm lời giải thích nào đã làm xói mòn lòng tin của người dân vào thể chế chính trị và đáng lo ngại hơn là người dân sẽ đặt dấu hỏi đối với tiến trình bầu cử. Ngoài ra khi nhìn vào sự thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa các đảng phái và khó khăn kinh tế hiện tại của Bulgaria thì nó sẽ dẫn đến những sự phát triển tiêu cực”.

Bulgaria có nguy cơ rơi vào bế tắc chính trị và đối mặt với làn sóng biểu tình mới trong dân chúng, khi kết quả sơ bộ cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn vào ngày 12/5 cho thấy không đảng nào giành đủ đa số phiếu cần thiết để tự đứng ra thành lập chính phủ.

Dựa trên số phiếu được kiểm tại 164 điểm bầu cử, đảng Công dân Bulgaria vì sự phát triển châu Âu (GERB) theo đường lối bảo thủ của cựu Thủ tướng Boyko Borisov dẫn đầu với 30,1% phiếu bầu, nhưng không đủ đa số cần thiết để thành lập chính phủ mới. Tiếp đến là đảng BSP theo đường lối xã hội chủ nghĩa với 26,1% số phiếu, đảng nhỏ MRF của người gốc Thổ Nhĩ Kỳ giành 11,6% và đảng Ataka theo đường lối dân tộc cực đoan được 7,8%. 

Như vậy, tương quan lực lượng giữa các đảng lớn nhất sau cuộc bầu cử này về cơ bản không khác gì trước đó. Vì thế, việc thành lập chính phủ mới sẽ vẫn rất khó khăn.

Các nhà thăm dò cho rằng đảng Công dân Bulgaria vì sự phát triển châu Âu  khó có thể liên danh với Ataka để thành lập đa số cho dù là đa số mong manh vì trước ngày bầu cử, Ataka đã từ chối ủng hộ mà đảng này trước đây vẫn dành cho chính phủ đa số của ông Borisov. Trong khi đó, BSP và đối tác trong liên minh trước đây là MRF cũng gần chiếm đa số trong Quốc hội 240 ghế. Người đứng đầu BSP đã công khai phản đối liên danh với đảng Công dân Bulgaria vì sự phát triển châu Âu, và cho biết chỉ ủng hộ một nội các chống khủng hoảng bao gồm các nhà kỹ trị giành được sự ủng hộ của đông đảo cử tri.

Theo các nhà quan sát, nếu không thành lập được chính phủ mới sau cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn này thì Bulgaria sẽ phải đối mặt với một cuộc tổng tuyển cử khác, dự kiến vào mùa Thu tới và như vậy, chính phủ tạm quyền hiện nay sẽ tiếp tục giữ chèo lái đất nước trong tình hình khó khăn hiện nay. Điều này đồng nghĩa với việc Bulgaria sẽ lại chứng kiến các cuộc biểu tình chống nghèo đói và tham nhũng từng làm chấn động quốc gia nhỏ bé này, buộc chính phủ của ông Borisov phải từ chức hôm 20/2 để mở đường cho tổng tuyển cử trước thời hạn./.