Sự xuất hiện của biến thể mới đã làm gia tăng nhanh số ca lây nhiễm Covid-19 ở khu vực châu Phi - lục địa nghèo nhất thế giới hiện nay. Theo đề xuất của các chuyên gia y tế, đẩy mạnh nỗ lực y tế cộng đồng trên toàn châu lục, cũng với việc đẩy nhanh việc tiêm phòng vaccine cho người dân đang là những giải pháp để châu Phi đối phó với dịch bệnh hiện nay.

Theo số liệu mới nhất, biến thể mới có nguồn gốc từ Nam Phi hiện đã được phát hiện thêm tại ít nhất 4 quốc gia trong khu vực châu Phi bao gồm Botswan, Ghana, Kenya và Zambia. Sự xuất hiện và lan rộng của các ca biến thể mới tiếp tục đẩy số ca lây nhiễm Covid-19 ở châu lục này tăng cao. Tính đến thời điểm hiện tại, châu Phi ghi nhận hơn 3,494 triệu ca bệnh, trong đó có hơn 87.000 ca tử vong. Nam Phi hiện đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 1 triệu 437 nghìn ca mắc Covid-19 và hơn 43.000 người tử vong, tiếp sau là Marốc và Ai Cập.

Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo biến thể mới của virus SARS-CoV-2 hiện đang lây lan tại châu Phi có thể khiến làn sóng dịch thứ 2 tại đây kéo dài, kéo theo nguy cơ làm tê liệt hệ thống y tế vốn đã mong manh tại châu lục 1,3 tỷ dân này.

Phát biểu với báo giới hôm qua, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới phụ trách khu vực châu Phi Matshidiso Moeti nhấn mạnh: "Chúng ta đang chứng kiến ngày càng nhiều ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2, vốn được phát hiện lần đầu tiên tại Nam Phi hiện nay và giờ các ca lây nhiễm biến thể mới ngày càng xuất hiện nhiều ở nhiều nước. Cho đến nay đã có 6 quốc gia châu Phi và khu vực xác nhận có biến thể mới. Ngoài châu Phi, biến thể mới cũng đã được phát hiện tại 24 quốc gia trên thế giới. Điều đáng lo ngại là biến thể mới đang phát tán ở nhiều khu vực khác của châu Phi mà chưa được xác nhận”.

Theo cảnh báo của  giới chuyên gia y tế, cùng với sự xuất hiện của biến thể mới, dịch Covid-19 dự báo sẽ tiếp tục lan rộng trong năm nay và năm tới. Những nỗ lực đẩy lùi làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19 của châu Phi sẽ không có hiệu quả, trừ phi các quốc gia tại châu lục đồng lòng đẩy mạnh tiến hành công tác xét nghiệm và cách ly những ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2, cũng như tăng cường các biện pháp phòng dịch từ cấp cơ sở. 

Phát biểu với báo giới, Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Phi John Nkengasong cho biết: “Chúng ta không thể ngồi chờ. Đây không phải là vaccine phòng bại liệt hay sởi. Chúng ta cần hành động nhanh chóng. Các nền kinh tế của chúng ta đang suy yếu, người dân đang chết dần. Không có lý do gì để không đẩy nhanh công tác chuẩn bị”. 

Kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát gần một năm trước đến nay, châu Phi chỉ mới tiến hành xét nghiệm cho khoảng 30 triệu người.  Đây được xem là tỷ lệ xét nghiệm trên dân số thấp nhất trên thế giới. Bên cạnh đó, do những khó khăn về vận chuyển vaccine và chủ nghĩa dân tộc vaccine mà nhiều nước phát triển đang theo đuổi, chiến dịch tiêm phòng vaccine ở châu Phi hiện vẫn diễn ra chậm. Liên minh châu Phi đang kêu gọi các nước thành viên cần nhanh chóng tổ chức nơi lưu trữ vaccine tại các thành phố lớn, huấn luyện cho nhân viên y tế, đảm bảo vật tư cần thiết như kim tiêm và tạo các hệ thống hiệu quả để đăng ký tiêm. Liên minh châu Phi đang đặt mục tiêu tiêm phòng cho 60% người dân châu Phi trong năm 2021-2022. Hiện một số quốc gia châu Phi như Marốc, Ai Cập và Guinea đã bắt đầu tiêm vaccine cho người dân. 

Hy vọng với việc triển khai đồng bộ các biện pháp, dịch Covid-19 sẽ sớm được đẩy lui tại châu Phi, qua đó chặn đứng chuỗi lây nhiễm Covid-19 trên toàn cầu. Trong hoạt động phòng chống Covid-19 trên thế giới, nếu còn có khu vực bị bỏ lại phía sau, nỗ lực phòng chống Covid-19 sẽ không đạt hiệu quả cao và đồng bộ./.