Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á lần thứ 11 sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 3/6, tại Shangri-La, Singapore với sự tham dự của đại diện tới từ 28 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương cùng với Anh, Pháp, Nga và Mỹ.

Đây là diễn đàn an ninh liên chính phủ có sự tham dự của các quan chức quốc phòng hàng đầu khu vực và thế giới. Tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông sẽ là chủ đề được chú ý nhất tại hội nghị lần này.  

doi-thaoi.jpg

Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 10 (ảnh nld.com.vn)

Hội nghị được Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh tổ chức và được biết đến nhiều với tên gọi Đối thoại Shangri-La, vì nó diễn ra hàng năm tại khách sạn cùng tên ở Singapore.

Chủ đề thảo luận của hội nghị gồm các chương trình hiện đại hóa quân sự, cân bằng lực lượng toàn cầu, cấu trúc an ninh khu vực, chống các mối đe dọa xuyên quốc gia, đối phó thảm họa thiên nhiên. Trong số này, vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông sẽ được nhấn mạnh. Ngoài đối thoại đa phương, Đối thoại Shangri La cũng là cơ hội để quan chức quốc phòng cấp cao các nước gặp tay đôi.

Đối thoại Shangri-La năm nay diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và Philippines đang có căng thẳng ngoại giao vì tranh chấp chủ quyền bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Hai nước liên tục đưa các tàu tới hoạt động quanh bãi cạn không có người sinh sống này, không có dấu hiệu nhượng bộ.

Giữa tháng 5, Trung Quốc tiếp tục đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông. Việt Nam và cả Philippines đều phản đối lệnh này. Philippines thậm chí đã chính thức ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trong vòng 2 tháng kể từ ngày 16/5 tại vùng biển xung quanh bãi cạn Scarborough - tâm điểm tranh chấp với Trung Quốc.

Lệnh cấm này chính thức có hiệu lực từ ngày 16/5 cũng trùng với thời điểm lệnh cấm tương tự của Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực khiến dư luận không thể không nghĩ là nó nhằm đối trọng với lệnh cấm đánh bắt cá tương tự của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong thông báo được đưa ra 2 ngày trước đó về kế hoạch cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, Tổng thống Philippines Benigno Aquino nói rằng quyết định của Manila được đưa ra không dựa trên sự ảnh hưởng bởi lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc mà nhằm tuân theo quy tắc riêng của mình để bảo tồn tài nguyên biển.

Mới đây, phát biểu tại Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN diễn ra ở Phnom Penh ngày 29/5, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh cho rằng, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông là vấn đề phức tạp, nhưng đó là một thực tế không nên tránh né.

Báo QĐND dẫn lời ông Phùng Quang Thanh nói: “Vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông là một thực tế mà chúng ta không cần né tránh, vì nó xảy ra trong khu vực Đông Nam Á, tranh chấp giữa các nước ASEAN với nhau và giữa một số nước ASEAN với quốc gia ở ngoài ASEAN”.

Đại tướng cũng đánh giá tình hình tranh chấp biên giới lãnh thổ ở khu vực và chủ quyền trên Biển Đông đang diễn biến khá phức tạp và có thể gây ra xung đột quân sự nếu các bên không nỗ lực kiềm chế.

Ngay trước thềm Đối thoại Shangri-La, không khí được hâm nóng khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho rằng, các tuyên bố về chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông đã vượt quá sự cho phép của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982). Đáp lại phát biểu này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói rằng Mỹ không phải là một bên trong các tranh chấp tại Biển Đông./.