Cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ 2018 diễn ra với một số lượng lớn cử tri tham gia bầu cho các ứng cử viên tranh cử lại 435 ghế tại Hạ viện và 35 ghế tại Thượng viện. Tuy nhiên, trong ngày bỏ phiếu đã nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng và tiến trình bầu cử trên khắp nước Mỹ.

bau_cu_my_yqch.jpg
Cử tri Mỹ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giữa kỳ ngày 6/11. Ảnh: Reuters.

Cử tri phải xếp hàng dài

Ngày từ sáng sớm ngày 6/11 (giờ địa phương), đã xuất hiện những hàng dài cử tri chờ bỏ phiếu trước nhiều điểm bầu cử trên khắp nước này. Việc ách tắc tại các điểm bỏ phiếu của Mỹ đã trở thành vấn đề phổ biến trong nhiều năm qua. Một loạt các bang như Georgia, New York, Philadelphia, Chicago, Cincinnati và Detroit báo cáo gặp phải vấn đề đó.

Ông Nick Alexander, 50 tuổi đến địa điểm bỏ phiếu tại Snellville, Georgia vào lúc 7h15 sáng (giờ địa phương). Ông hy vọng sẽ bỏ phiếu nhanh nhưng cuối cùng phải chờ 3 tiếng đồng hồ mới xong. “Dòng người xếp hàng chờ bỏ phiếu rất dài, nhưng cũng may là họ đều có ý thức tuân thủ quy trình. Chúng tôi có thể đi vào và đi ra dễ dàng”. Còn cử tri Rachel Thompson tại Atlanta, Georgia phàn nàn trên trang Twitter rằng cô đã phải xếp hàng 4 tiếng đồng hồ: “Có 300 cử tri trong khi chỉ có 3 máy bỏ phiếu”. Nhiều cử tri đã bức xúc kêu gọi cải cách hệ thống bỏ phiếu.

Co hẹp các điểm bỏ phiếu

Theo phân tích của tờ USA Today, hàng nghìn điểm bỏ phiếu trên khắp nước Mỹ đã đóng cửa trong những năm gần đây. Số lượng các điểm bỏ phiếu tiếp tục giảm kể từ năm 2016 và tại nhiều khu vực, các quan chức phụ trách bầu cử đã cắt giảm số lượng nhân viên tại nhiều điểm bỏ phiếu đang hoạt động. Chẳng hạn như Hạt Cook ở bang Chicago đã đóng cửa hoặc chuyển dịch 95 điểm bỏ phiếu từ năm 2012 đến năm 2016. Hạt Los Angeles đóng cửa 88 địa điểm và hạt Harris của Houston đóng của 27 địa điểm.

Ông John Powers, cố vấn tại Dự án về quyền bỏ phiếu cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Ví dụ như tại hạt Randolph, Georgia nguyên nhân là do việc cử tri không hào hứng đi bỏ phiếu. Tại một số nơi khác, đó là vấn đề tài chính hay việc phải đấu tranh để duy trì bộ máy tiến hành các hoạt động quản lý bầu cử. “Đối với các quan chức bầu cử, đôi khi câu trả lời đơn giản chỉ là có ít điểm bỏ phiếu hơn và ít nhân viên hơn”.

Dẫu vậy, trong bất cứ trường hợp nào, các khu vực có lượng cử tri da màu cao sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc co hẹp các điểm bỏ phiếu và cắt giảm nhân viên. Tại nhiều hạt ở khu vực đô thị, nơi có phần lớn cử tri là người da màu, trung bình có 7 điểm bỏ phiếu và hơn 200 nhân viên bầu cử bị cắt giảm. Thêm vào đó, sự cắt giảm cũng có tác động tiêu cực tới các cử tri nghèo hay những người không có công ăn việc làm ổn định. “Việc hợp nhất các địa điểm bỏ phiếu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến những cử tri dễ bị tổn thương nhất. Do thiếu thốn về kinh tế nên họ không có điều kiện tiếp cận với các loại phương tiện hiện đại để đến điểm bỏ phiếu đúng giờ, hoặc phải làm thêm giờ, làm tăng ca do đó việc bỏ phiếu cũng khó khăn”, John Powers nói.

Máy bỏ phiếu gặp trục trặc

Hãng tin Reuters cho biết, tình trạng máy bỏ phiếu bị hỏng, lỗi được báo cáo tại ít nhất 12 bang ở Mỹ, trong đó có Philadelphia, New York và Georgia tính đến 12h trưa ngày 6/11 (giờ địa phương). Một quan chức thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho hay họ nhận được những báo cáo về lỗi kỹ thuật "rải rác”, nhưng điều này không ảnh hưởng nhiều đến tiến trình bỏ phiếu.

Tờ New York Times cho biết, tại bang Georgia, nơi cuộc chạy đua chức thống đốc khá gay cấn, một số cử tri phải tạm ngừng sử dụng máy bỏ phiếu. Còn ở bang New York, hai quan chức địa phương cho biết, các phiếu bầu đã bị ướt khiến máy quét ở một số địa điểm bỏ phiếu tại Manhattan và Brooklyn không thể nhận diện. Hội đồng bầu cử của thành phố đã phải triển khai các nhân viên kỹ thuật để khắc phục sự cố này.

Tại bang Michigan, kênh truyền hình ABC đưa tin, địa điểm bỏ phiếu tại trường cấp 3 Martin Luther King đã phải tạm thời đóng cửa một lúc bởi vì các nhân viên bầu cử không thể xác định được vị trí máy các bỏ phiếu. Các máy này sau đó được phát hiện bị khóa bên trong tủ đựng quần áo của trường học. Nhân viên sau đó đã phải đưa máy bỏ phiếu ra bên ngoài và khởi động lại.

Một số địa điểm bỏ phiếu vẫn còn sử dụng những chiếc máy bỏ phiếu lỗi thời, nhiều chiếc trong số này được mua theo Đạo luật hỗ trợ bầu cử Mỹ năm 2002 do đó dễ gặp trục trặc. Trục trặc về kỹ thuật đã khiến các cử tri phải xếp hàng dài và nhiều điểm bỏ phiếu không mở cửa không đúng giờ.

Vấn đề an ninh

Việc đảm bảo an ninh trong suốt quá trình bầu cử luôn được giới chức Mỹ đặt lên hàng đầu. Tuy vậy, tại một số bang vẫn xảy ra những vấn đề về an ninh. Nhà chức trách tại bang Pennsylvania đã bắt giữ một đối tượng với cáo buộc đe dọa bắn các nhân viên tại trạm bỏ phiếu sau khi họ nói với tên này rằng rằng anh ta vẫn chưa được đăng ký để đi bầu.

Tại Goodyear, bang Arizone, cảnh sát cho biết họ đã bắt giữ một người đàn ông  mang theo súng tới điểm bầu cử. Đối tượng là Brad Luebke, 37 tuổi, bị yêu cầu phải rời khu vực bỏ phiếu nhưng tên này nhất quyết không nghe. Đối tượng đã vi phạm luật pháp của bang, đồng thời bị cáo buộc có hành vi gây rối, mất trật tự.

Ở Boston, một điểm bỏ phiếu tại South End đã bị đóng cửa sau khi chất bột màu trắng được tìm thấy gói trong một lá phiếu trống. Chất này sau đó đã được xác định là bột soda. Theo CBS, địa điểm bỏ phiếu đã bị đóng cửa gần 1 tiếng đồng hồ và cảnh sát đã tiến hành điều tra vụ việc./.