Một bài viết trên tờ Spiegel ngày 7/11 cho biết, BND đã tiến hành các hoạt động xâm nhập và nghe lén một loạt các bộ, ban ngành của các quốc gia được coi là thân với Đức như Bộ Nội vụ các nước Ba Lan, Áo, Đan Mạch và Croatia; phái bộ Mỹ tại EU và Liên Hợp Quốc, Bộ Tài Chính và Bộ Nội vụ Mỹ và thậm chí cả đường dây nóng để cảnh báo du lịch của Bộ Ngoại giao Mỹ.

bnd_owlu.jpg
Giám đốc BND tại một trong số các cơ quan thực hiện việc do thám của mình. Ảnh RT

Ngay tại Đức, BND cũng theo dõi hoạt động của các Đại sứ quán và Lãnh sự quán của Pháp, Anh, Thụy Điển, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Ytaly, Áo, Thụy Sỹ và cả Vatican.

Trước đó, BND từng bị cáo buộc nghe lén các quan chức Bộ Ngoại giao và Tổng thống Pháp cũng như các quan chức EC. Tại thời điểm đó, theo Spiegel, BND làm việc này “hộ” đối tác là Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA).

Mặc dù vậy, theo Spiegel, BND cũng khởi xướng nhiều hoạt động nghe lén các Đại sứ quán và các tổ chức chính phủ của các nước châu Âu và đồng minh của Đức.

Thậm chí, BND cũng không “tha” cả các tổ chức phi chính phủ như Oxfam, Care International và Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế.

Năm 2013, khi Edward Snowden, một cựu nhân viên của NSA tiết lộ, NSA theo dõi một loạt các nước trên thế giới trong đó có Đức thì chính Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lên tiếng bày tỏ sự giận dữ với hành động này của NSA.

“Do thám bạn bè của mình là không thể chấp nhận được”, Thủ tướng Đức Merkel tại thời điểm đó đã nói như vậy khi vụ bê bối của NSA nổ ra và bà nhận được thông tin rằng, điện thoại di động của bà bị NSA nghe lén.

Tuy nhiên, ngay sau đó, báo giới Đức đã tiết lộ rằng, NSA đã cung cấp cho các cơ quan tình báo Đức  trong đó có BND và Văn phòng Bảo vệ Hiến pháp Liên bang Đức (BfV) các phần mềm do thám để chia sẻ thông tin với NSA. Điều này có nghĩa là NSA và BfV đã hỗ trợ NSA tiến hành chương trình do thám toàn cầu của mình./.