Cắm chốt tại mọi điểm nóng
Thủ đô Hà Nội của Việt Nam đang là tâm điểm chú ý của cả thế giới khi đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2. Trong khoảng một tuần trước thời điểm diễn ra sự kiện vô cùng quan trọng này, phóng viên quốc tế đã “đổ bộ” tới Hà Nội, “khảo sát địa bàn” và chuẩn bị sẵn sàng để săn tin Hội nghị.
Dàn phóng viên tại lễ khai trương trung tâm báo chí quốc tế phục vụ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2. |
Anh Hamid, phóng viên của Fuji TV của Nhật Bản cho biết, anh đã “cắm chốt” tại khu vực cổng Nhà khách Chính phủ trong nhiều ngày để “săn tin”. Tuy nhiên, hầu hết các thông tin đều bị hạn chế.
“Tôi biết đây là sự kiện quốc tế lớn, nên việc kiểm soát chặt an ninh và hạn chế thông tin là điều dễ hiểu. Tôi thấy các phóng viên Hàn Quốc cũng có mặt ở khu vực này và họ cũng phải chờ đợi giống tôi”, Hamid nói.
Hamid cho hay, anh từng đến Việt Nam năm 2017, thời điểm diễn ra APEC và anh tin rằng Việt Nam sẽ tổ chức thành công Hội nghị lần này, cũng như đảm bảo an ninh và tiếp đón tốt các phóng viên quốc tế.
Nhiều hãng thông tấn và trang tin nước ngoài có văn phòng tại Hà Nội vẫn tăng cường thêm phóng viên cho sự kiện này. Phoenix TV (Hong Kong) cho biết, hãng đã cử thêm hàng chục phóng viên sang Việt Nam lần này. Theo phóng viên Nguyễn Đức Anh, ở Văn phòng Phoenix TV tại Hà Nội, hãng đã đưa thêm nhân lực và đầy đủ thiết bị tới Hà Nội từ hôm 18/2: “Phoenix TV cử phóng viên từ Mỹ, Trung Quốc và Hong Kong sang đưa tin Thượng đỉnh Mỹ-Triều. Có khoảng 24 phóng viên được tăng cường cho dịp này, để làm live. Các phóng viên từ Mỹ và Trung Quốc sang sẽ làm sâu về Trump và Kim”.
Những ngày này có thể dễ dàng bắt gặp các phóng viên các hãng tin MBC, KBS, NKH, Kyodo, Reuters, AP, AFP… “đổ bộ” trên các tuyến đường Hà Nội.
Trưởng đại diện hãng tin Jiji Press của Nhật Bản tại Hà Nội, ông Tomokazu Tomita cho biết, hãng đã tăng cường thêm 5 phóng viên tới Hà Nội đưa tin Thượng đỉnh. Trong đó, có 2 phóng viên từ Nhật Bản, 2 từ Seoul và 1 từ Washington.
Cũng như phóng viên Hamid của Fuji TV, ông Tomita cũng nhắc đến “khó khăn khi tác nghiệp” là việc mọi thông tin và các sự kiện trong Hội nghị đều được giữ kín đến phút chót. Song đây là khó khăn chung với ngay cả phóng viên của Việt Nam.
Do vậy, tại nhiều địa điểm “hot” được cho là nơi ở của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un khi tới Hà Nội, hay địa điểm được “đoán” là nơi diễn ra Hội nghị đều thấy xuất hiện các phóng viên quốc tế.
Ấn tượng với Hà Nội
Rất nhiều phóng viên quốc tế lần đầu đặt chân tới Hà Nội và điều đầu tiên họ ghi nhận là ấn tượng tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam, đặc biệt là nỗ lực chuẩn bị gấp rút hoàn tất công tác chuẩn bị cho Thượng đỉnh.
Phóng viên quốc tế "cắm chốt" trên đường phố ở trung tâm Hà Nội. |
Bà Yoon Eun Sook, Giám đốc Bộ phận tin tức quốc tế của AJu News Hàn Quốc chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi tới Hà Nội. Tôi không nói được tiếng Việt, không thể nói chuyện trực tiếp với người Việt Nam nhưng tôi thấy mọi người đều rất thân thiện với tôi. Người Việt Nam dường như rất quan tâm và rất thích văn hóa Hàn Quốc”.
Đề cập việc Việt Nam được lựa chọn để đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2, bà Yoon Eun Sook cho rằng, Việt Nam có vai trò là một nước chủ nhà tuyệt vời, bởi vì Việt Nam có mối quan hệ tốt với cả Mỹ và Triều Tiên.
“Việc tổ chức Hội nghị tại Việt Nam sẽ mang đến cơ hội thuận lợi cho các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên. Như phía Việt Nam thông báo, chỉ trong thời gian ngắn các bạn đã hoàn tất công tác chuẩn bị. Trung tâm báo chí quốc tế thực sự rất rộng lớn và mọi sự chuẩn bị đều rất tuyệt vời. Tôi có thể thấy rằng Việt Nam thấy tự hào khi đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều và nỗ lực để sự kiện này diễn ra suôn sẻ. Mọi thứ đều rất ấn tượng”, bà Yoon Eun Sook nhận định.
Chiều 23/3, Trung tâm báo chí quốc tế cho Thượng đỉnh Mỹ-Triều đã chính thức khai trương, để phục vụ khoảng 3.000 phóng viên báo chí trong nước và quốc tế tham gia đưa tin Hội nghị. Phát biểu tại lễ khai trương trước đông đảo phóng viên báo chí trong nước và quốc tế, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đảm bảo rằng, Trung tâm báo chí với các phương tiện, trang bị hiện đại nhất sẽ đảm bảo cho các phóng viên tác nghiệp đầy đủ, nhanh nhất, hiệu quả nhất về tất cả các sự kiện diễn ra trong những ngày tới.
Với các phóng viên quốc tế, họ chia sẻ rằng: “Khi thấy cờ Mỹ-Triều xuất hiện trên đường phố Hà Nội, là chúng tôi đã sẵn sàng ngay cho sự kiện này”./.