Báo chí quốc tế đã đồng loạt đăng tải các bài viết, tin, ảnh, bày tỏ lạc quan về thành công của cuộc gặp mang tính lịch sử này và kêu gọi hai bên thảo luận thẳng thắn về hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên cũng như tránh lặp lại những thất bại trước đây.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: Yonhap. |
SCMP: Từ bước đi nhỏ đến bước tiến lớn
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Trung Quốc đăng tải bài viết với tiêu đề “Hội nghị thượng đỉnh Triều Tiên sẽ diễn ra như thế nào: Từ bước đi nhỏ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đến bước tiến lớn của sự hòa giải”. Tờ báo này nhận định, bước chân của ông Kim Jong-un vượt qua biên giới liên Triều bắt đầu một ngày hội đàm với những cử chỉ mang tính biểu tượng của sự thống nhất và hòa giải, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử hai miền. Hội nghị lần này đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một bước đột phá về ngoại giao, hướng tới phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Với cuộc gặp gỡ đầy thiện cảm, Triều Tiên và Hàn Quốc đang khiến cả thế giới kỳ vọng vào sự thành công của hội nghị. Đây cũng có thể là bàn đạp mới để 2 miền Triều Tiên duy trì hòa bình, ổn định, hướng tới thống nhất vì sự phát triển chung. Quan Xiaoxing, phóng viên báo Mạng lưới và tin tức kinh doanh Trung Quốc cho rằng, hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ có tác động lớn trên toàn cầu vì thế cần phải thành công.
“Cuộc khủng hoảng hạt nhân không phải là vấn đề giữa hai miền Triều Tiên mà còn là vấn đề chung của Châu Á và xa hơn là của cả thế giới. Nhiều nước liên quan đến vấn đề này, trong đó có cả Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc kết quả của hội nghị có thể ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao của nhiều quốc gia. Trong đó, quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ bị ảnh hưởng”, Quan Xiaoxing nói.
Korea Times: Thành công được đo bằng sự đồng thuận
Tờ báo này kêu gọi cả hai nhà lãnh đạo của Hàn Quốc và Triều Tiên thảo luận thẳng thắn về vấn đề hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh toàn thế giới đang tập trung theo dõi cuộc gặp thượng đỉnh hiếm hoi này.
Bài xã luận của tờ báo nhấn mạnh mức độ thành công của cuộc đối thoại giữa hai bên sẽ được đo bằng sự đồng thuận mà họ đạt được về các chủ đề chính là phi hạt nhân hóa và kiến tạo nền hòa bình lâu dài, nhưng chỉ riêng việc hai nhà lãnh đạo ngồi lại với nhau cũng đã đủ làm rung động trái tim của nhiều người trên bán đảo Triều Tiên hằng mong muốn hai bên nối lại các hoạt động giao lưu cấp cao.
Điều gì khiến ông Kim Jong-un tuyên bố ngừng thử hạt nhân và tên lửa?
Reuters: "Một trang sử mới trên bán đảo Triều Tiên”
Cánh cửa vàng tại tòa nhà của Triều Tiên ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm đã mở ra, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, trong trang phục màu đen lịch lãm, bao quanh bởi các cận vệ, đã bước xuống bậc thang đi về phía bên kia biên giới. Hình ảnh ông Kim Jong-un nở nụ cười, bắt tay Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đứng giữa vạch phân giới tại Bàn Môn Điếm có lẽ trở thành khoảnh khắc ấn tượng nhất trên các mặt báo ngày 27/4. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Moon Jae-in đã cùng viết nên "một trang sử mới trên bán đảo Triều Tiên", hãng tin Reuters bình luận.
Cảnh ông Kim Jong-un và ông Moon Jae-in cười nói vui vẻ và nắm tay bước đi tại khu phi quân sự được canh phòng nghiêm ngặt giữa 2 nước sáng 27/4 hoàn toàn đối lập với thái độ cứng rắn khi Triều Tiên tuyên bố tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa năm 2017, vốn khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về một cuộc xung đột mới trên bán đảo Triều Tiên. Cuộc họp lịch sử giữa lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc cuối cùng cũng đã diễn ra. Mọi người đều đang nở nụ cười. Hy vọng nó sẽ mang lại những thay đổi lâu dài.
"Hôm nay, chúng tôi đang ở cùng một vạch xuất phát - nơi trang sử mới về quan hệ liên Triều hòa bình, thịnh vượng đang bắt đầu", nhà lãnh đạo Triều Tiên tuyên bố trước khi bắt đầu cuộc họp chính thức với Tổng thống Hàn Quốc.
Tờ Reuters cho biết thêm, bước chân qua biên giới liên Triều là điều mà các cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành và Kim Jong-il chưa từng thực hiện. Cả hai hội nghị thượng đỉnh liên Triều, lần lượt diễn ra vào các năm 2000 và 2007 đều được tổ chức tại Bình Nhưỡng.
Asian times: Cơ hội nghìn năm có một
Những bước đi của hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên trên nền bê tông mang đầy tính biểu tượng. Khu vực biên giới liên Triều hầu như là nơi cấm kỵ đối với người dân cả hai miền Nam và Bắc, kể từ khi chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 đình chiến, vậy mà giờ đây lại chứng kiến thời khắc quan trọng, mở ra cơ hội hòa bình và hòa giải cho người dân trong khu vực.
Tờ báo này cho biết, các vấn đề chính trong chương trình nghị sự là phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, một hiệp ước hòa bình để thay thế hiệp định đình chiến, nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài từ năm 1950 đến nay, một “chế độ hòa bình” trên bán đảo Triều Tiên, hợp tác cũng như tái hòa giải liên Triều. Dù đó là những vấn đề lớn chưa thể giải quyết ngay trong thời gian một sớm một chiều, nhưng có nhiều kỳ vọng về việc các quy trình thực hiện cho mỗi bên có thể được thiết lập. Ngoài ra, cũng có hy vọng rằng, cuộc gặp lần này có thể tạo ra sợi dây gắn kết về mặt cá nhân giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bởi cả hai đều là những nhà chính trị gia rất thân thiện với công chúng.
Theo tờ Asia Times, các điều kiện đối thoại hiện nay cũng thuận lợi hơn nhiều so với các hội nghị thượng đỉnh trước đó khi cả Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên đều đang trong giai đoạn đầu lên nắm quyền, cùng theo đuổi chính sách hòa giải.
“Cả hai đều là những nhà lãnh đạo quyền lực, được sự tín nhiệm và tin cậy của người dân, có chung quan điểm về hòa giải liên Triều. Đây là cơ hội nghìn năm có một để biến điều tưởng chừng không thể thành có thể”, ông Daniel Tudor, đồng tác giả của cuốn “Bảo mật Triều Tiên” khẳng định./.
Con đường nào đưa ông Kim Jong-un tới Bàn Môn Điếm?