Hôm 5/4 tại thành phố Vienna, Áo, diễn ra các cuộc đàm phán giữa đại diện chính phủ Azerbaijan và Armenia nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 20 năm qua tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh, dưới sự bảo trợ của Pháp, Mỹ và Nga, những nước đồng chủ tịch nhóm hòa giải quốc tế Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu.

tong_thong_armenia_va_tong_thong_azerbaijan_slnb.jpg
Tổng thống Armenia Serzh Sarkisian (trái) và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev trong một lần gặp gỡ. Ảnh: Rferl.org.

Trước thềm cuộc gặp, tình hình tại khu vực vẫn diễn biến căng thẳng.

Giao tranh giữa quân đội Armenia và Azerbaijan hôm 4/4 đã làm ít nhất 13 người thiệt mạng. Kể từ khi xung đột bùng phát hôm 2/4 vừa qua, đã có ít nhất 40 binh sĩ của cả 2 phía và 6 dân thường thiệt mạng, trong khi hơn 200 người khác bị thương.

Đây được xem là các vụ đụng độ đẫm máu nhất kể từ khi lệnh ngừng bắn tại khu vực được thiết lập năm 1994.

Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động hiện nay, với nhiều mâu thuẫn và đối đầu về lập trường, giới quan sát lo ngại những mâu thuẫn này nếu không sớm được giải quyết sẽ trở thành "thùng thuốc súng" làm phức tạp hơn nữa các mối quan hệ tại khu vực và quốc tế.

Trước đó, ngày hôm qua,  Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có cuộc điện đàm, hối thúc các bên chấm dứt ngay lập tức việc sử dụng vũ lực và tránh mọi hành động làm gia tăng căng thẳng.

Nagorno-Karabakh là khu vực có đa số dân là người Armenia, nhưng đã sáp nhập vào Azerbaijan dưới thời Liên Xô cũ. Mặc dù chiến tranh đã chấm dứt với lệnh ngừng bắn năm 1994, song những tranh cãi liên quan tới vùng lãnh thổ này vẫn chưa được giải quyết và các vụ đụng độ vũ trang thường xuyên xảy ra./.