Ngày 23/3/2021, cuộc họp lần thứ 15 của Ủy ban Hợp tác chung ASEAN-Nhật Bản (AJJCC) đã diễn ra dưới hình thức trực tuyến.
Tham dự cuộc họp về phía ASEAN có Ủy ban các Đại diện thường trực tại ASEAN (CPR) và Ban Thư ký ASEAN. Đoàn Nhật Bản do Đại sứ Nhật Bản tại ASEAN Chiba Akira dẫn đầu. Trên cương vị nước điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản nhiệm kỳ 2018-2021, Đại sứ Nguyễn Hải Bằng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN, đã cùng Đại sứ Nhật Bản Chiba Akira đồng chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp, Nhật Bản thông báo đang tích cực triển khai gói hỗ trợ toàn diện cho việc thành lập Trung tâm ASEAN ứng phó Tình huống y tế khẩn cấp và Bệnh dịch mới nổi (ACPHEED), bao gồm hỗ trợ ASEAN xây dựng thiết kế cho trung tâm, cử chuyên gia Nhật Bản, và đào tạo chuyên gia cho ASEAN. Trước đó, tháng 4/2020, tại Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt ASEAN+3 về Covid-19, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã công bố gói tài trợ trị giá 50 triệu USD cho dự án.
Cuộc họp ghi nhận các chương trình hợp tác ASEAN-Nhật Bản tiếp tục được triển khai hiệu quả bất chấp những khó khăn do dịch Covid-19. Riêng năm 2020, trong khuôn khổ Quỹ Hội nhập ASEAN- Nhật Bản, đã có 32 dự án được triển khai với tổng trị giá 22 triệu USD, và 25 dự án được thông qua với tổng vốn 17 triệu USD.
Trong khuôn khổ chương trình trao đổi thường niên Giao lưu Thanh niên, Sinh viên Nhật Bản – Đông Á (JENESYS) năm 2020, ước tính 900 thanh niên ASEAN được tham quan, học tập ngắn hạn tại Nhật Bản, và năm 2021 dự kiến sẽ có thêm 700 lượt bạn trẻ nữa được mời tham dự chương trình.
Các nước ASEAN đánh giá cao những đóng góp của Nhật Bản thời gian qua, đặc biệt là quyết định tài trợ cho dự án thành lập Trung tâm ASEAN ứng phó Tình huống y tế khẩn cấp và Bệnh dịch mới nổi và mong muốn hai bên tăng cường hợp tác toàn diện trong thời gian tới, nhất là trong các lĩnh vực mới nổi song không kém phần cấp bách như an ninh mạng, thành phố thông minh.
Phát biểu tại cuộc họp với tư cách Chủ tịch Nhóm đặc trách về Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI), Đại sứ Nguyễn Hải Bằng hoan nghênh Nhật Bản đã tài trợ cho 11 dự án trong khuôn khổ Kế hoạch Công tác giai đoạn III và đề nghị Nhật Bản tiếp tục tích cực đóng góp cho Kế hoạch Công tác giai đoạn IV của IAI bằng những dự án mới, thực chất.
Đây là năm cuối cùng Việt Nam giữ cương vị nước điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản. Cương vị này sẽ được chuyển giao cho Thái Lan tại cuộc họp Bộ trưởng ASEAN-Nhật tháng 8/2021.
Liên quan đến đại dịch Covid-19, Australia đã sẵn sàng vaccine và chuẩn bị tiêm chủng trên diện rộng để ngừa căn bệnh này.
Hơn 800.000 liều vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên được sản xuất tại Australia sau khi được cơ quan kiểm định chất lượng cấp phép bắt đầu được cung cấp cho các cơ sở tiêm chủng. Cùng lúc đó, các bang và vùng lãnh thổ của nước này cũng đang chuẩn bị các địa điểm cũng như các cơ sở vật chất khác để chuẩn bị tiêm chủng trên diện rộng.
Theo thông tin từ Bộ Y tế Australia, Cơ quan quản lý dược phẩm trị liệu của nước này vừa phê chuẩn việc chuyển 4 lô vaccine gồm 832.200 liều của AstraZeneca cho các cơ sở y tế để tiến hành tiêm chủng cho người dân. Trước khi phê chuẩn, Cơ quan quản lý dược phẩm trị liệu Australia đã kiểm tra các lô vaccine này tại phòng thí nghiệm của mình và so sánh với các thông số của nhà sản xuất nhằm đảm bảo vaccine sản xuất tại Australia có chất lượng tương đương với vaccine sản xuất ở nước ngoài.
Với sản lượng sản xuất 500.000 liều vaccine mỗi tuần, trong thời gian tới sẽ có nhiều người dân Australia được tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Vaccine của AstraZeneca sản xuất tại Australia được đưa vào sử dụng đúng lúc nước này bước vào giai đoạn mới trong kế hoạch tiêm chủng. Australia đặt mục tiêu trong giai đoạn này kéo dài đến tháng 6 năm nay sẽ có 6 triệu người gồm những người trên 70 tuổi, người bản địa, những người trên 55 tuổi có bệnh nền và những nhân viên y tế còn lại sẽ được tiêm vaccine.
Trong lúc Australia bắt đầu chủ động được nguồn cung vaccine, nước này cũng đang xây dựng hệ thống 4.000 điểm tiêm chủng trên toàn quốc tại các phòng khám của các bác sỹ gia đình, các phòng khám hô hấp và các cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người bản địa.
Trước đó Australia từng đặt mục tiêu đến cuối tháng 3 sẽ có khoảng 4 triệu người được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Tuy nhiên, do 3,8 triệu liều nhập khẩu từ nước ngoài bị chậm trễ nên nước này không thể đạt được mục tiêu này. Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế Australia, đến lúc này, Australia mới tiêm vaccine cho hơn 312.000 người./.