Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Surin Pitsuwan hôm 30/10 cảnh báo cuộc xung đột giáo phái tại bang Rakhine, miền Tây Myanmar, không chỉ là vấn đề bạo lực tôn giáo mà có thể lây lan, đe dọa an ninh và ổn định của toàn khu vực.

Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Kuala Lumpur, Malaysia, ông Pitsuwan nhấn mạnh rằng, đây không chỉ là một vấn đề giữa người Hồi giáo và người Phật giáo mà là vấn đề về cấu trúc thể chế, dân chủ, nhân quyền và hòa giải dân tộc.

myanmar.jpg
Cảnh sát Myanmar xem xét khu vực nhà bị đốt ở Sittwe (ảnh: PressTV)

Ông cảnh báo vấn đề này có thể lan rộng rất nhanh chóng, đồng thời kêu gọi quốc tế giúp Myanmar giải quyết tình trạng xung đột giáo phái hiện nay: “ASEAN sẽ viện trợ nhân đạo cho người dân Myanmar nhằm giúp giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay. Ngoài ASEAN, chúng tôi hy vọng cộng đồng quốc tế, trong đó Liên Hợp Quốc đóng vai trò trung tâm, cũng sẽ tích cực giúp Myanmar thúc đẩy tiến trình hòa giải dân tộc”.

Cùng ngày, Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) đã kêu gọi tạo điều kiện để những người đang phải sơ tán do tình trạng bạo lực giáo phái ở miền Tây Myanmar tiếp cận được với viện trợ nhân đạo. Người phát ngôn của UNHCR, ông Adrian Edwards cho biết trong các cuộc đụng độ tuần qua, ước tính có 28.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa đến các trại tị nạn ở thành phố Sittwe, thủ phủ bang Rakhine. UNHCR cũng đã gửi vải dầu đến để dựng nhà cho khoảng 2.000 người và cung cấp mềm chăn và màn chống muỗi cho Sittwe.

Theo truyền thông chính thống của Myanmar, các cuộc bạo động tái bùng phát tại bang Rakhine đã được kiểm soát vào ngày 27/10, và tình hình đã trở lại bình thường. Làn sóng đụng độ mới nhất này giữa người theo đạo Hồi và người theo đạo Phật đã làm 84 người thiệt mạng và 129 người bị thương chỉ trong một tuần từ 21-27/10./.