Hôm nay, lãnh đạo ngoại giao các nước ASEAN sẽ tổ chức cuộc họp đặc biệt về khả năng tham dự của lãnh đạo quân đội Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing tại Hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra từ 26-28/10. Trước thềm cuộc họp, một số quốc gia đã cho thấy xu hướng không muốn mời nhà lãnh đạo này tham dự Hội nghị.
Hôm qua, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin cho biết uy tín của ASEAN như một tổ chức trong khu vực sẽ bị “đặt dấu hỏi” nếu cho phép lãnh đạo quân đội và các đại diện Myanmar tham dự một cuộc họp ASEAN. Trong khi đó, Đại sứ Indonesia tại ASEAN, ông Ade Padmo Sarwono cho rằng Thống tướng Min Aung Hlaing - người đứng đầu quân đội Myanmar, không nên được mời tham dự hội nghị cấp cao ASEAN vì khối không công nhận chính quyền quân sự.
Tuần trước, các ngoại trưởng Malaysia, Indonesia và Singapore cũng đã đưa ra quan điểm về việc không nên có sự xuất hiện của Thống tướng Min Aung Hlaing tại hội nghị cấp cao ASEAN. Sau khi nghe Đặc phái viên ASEAN về Myanmar Eryawan Yusof truyền đạt một số tiến triển và thách thức trong khắc phục bất ổn chính trị của Myanmar tại cuộc họp trực tuyến các Ngoại trưởng ASEAN (4/10), Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã bày tỏ thất vọng khi quân đội Myanmar không đưa ra phản ứng tích cực đối với những cố gắng của đặc phái viên khi cấm đặc phái viên gặp bà Aung San Suu Kyi.
Nữ Ngoại trưởng Retno Marsudi cho rằng, theo Indonesia đã đến lúc các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN phải báo cáo tình hình này với 9 nhà lãnh đạo ASEAN, để đưa ra định hướng cho sự tham gia của ASEAN với Myanmar, đặc biệt tại các Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 tới đây. Indonesia cũng trình bày một số điều trong Hiến chương ASEAN có thể được dùng để áp dụng trong việc giải quyết vấn đề Myanmar.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan cho biết, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã thúc giục Hội đồng Hành chính Nhà nước (SAC) Myanmar hợp tác để giải quyết vấn đề. Còn Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah trong một tuyên bố trên Twitter ngày 5/10 cảnh báo Myanmar có thể bị loại khỏi Hội nghị cấp cao ASEAN nếu từ chối hợp tác với Đặc phái viên của khối, trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc của đất nước do quân đội cai trị.
Trước đó ngày 13/10, Myanmar cho biết sẽ không ngăn Đặc phái viên ASEAN tới thăm nước này, song sẽ không cho phép ông gặp cựu lãnh đạo đang bị giam giữ Aung San Suu Kyi./.