Tuyên bố trên được đưa ra sau cuộc gặp của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk với Thủ tướng Anh Theresa May tại London ngày 26/9, chỉ 1 ngày sau khi vòng đàm phán thứ 4 về Brexit khởi động tại Brussels, Bỉ.

anh_minh_hoa_girw.jpg
Ảnh minh họa: AP

Cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Hội đồng châu Âu Tusk và Thủ tướng Anh Theresa May diễn ra chỉ vài ngày sau khi bà May có bài phát biểu về Brexit tại Florence của Italy hôm 22/9. Trong bài phát biểu này, nhà lãnh đạo Anh đã đề xuất giai đoạn chuyển tiếp để Anh rời EU là 2 năm.

Với đề xuất này, trong giai đoạn chuyển tiếp, công dân EU vẫn sẽ tiếp tục được đi lại, sống và làm việc tại Anh, song sẽ có một hệ thống đăng ký, một sự chuẩn bị cần thiết cho một chế độ mới. Anh sẽ tiếp tục tôn trọng những cam kết về ngân sách khi còn là thành viên của EU, đổi lại Anh muốn được tiếp cận thị trường chung EU trong thời gian này.

Những đề xuất mới cho thấy rõ sự nhượng bộ của Anh trong đàm phán Brexit. Chuyến thăm tới London và cuộc hội đàm với Thủ tướng Anh của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Tusk là một cách để EU thể hiện thiện chí của mình.

Tuy nhiên, về mong muốn của phía Anh là các vấn đề chủ chốt sẽ được đàm phán song song và đặc biệt vấn đề “hóa đơn li dị” sẽ được gắn liền với thỏa thuận về quan hệ tương lai giữa hai bên, thì Chủ tịch Tusk vẫn khẳng định sự cứng rắn của của EU trong vấn đề này.

“Tôi có sự lạc quan thận trọng về tính xây dựng và thực tế trong bài phát biểu của Thủ tướng Anh tại Florence, cũng như trong cuộc thảo luận hôm nay. Giai đoạn thảo luận tiếp theo về tương lai của EU-Anh sẽ chỉ diễn ra khi đàm phán Brexit đạt được tiến triển đáng kể. 2 bên đang và sẽ nỗ lực làm việc trong đàm phán”, ông Tusk nói.

Tại vòng đàm phán thứ 4 về Brexit, Trưởng đoàn đàm phán của EU Michel Barnier cũng khẳng định các cuộc thảo luận xung quanh giai đoạn chuyển tiếp sau khi Anh rời khỏi EU chỉ bắt đầu khi đạt được một thỏa thuận về 3 ưu tiên chính trong giai đoạn đầu của cuộc "li dị".

Ông Barnier nhấn mạnh, hai bên tìm ra một thỏa thuận về các nguyên tắc giải quyết những vấn đề ưu tiên cho việc rút lui có trật tự, và không nên đánh đồng đàm phán về nợ - vốn là các cam kết đã có trong quá khứ, với các cuộc đàm phán về quan hệ tương lai của mối quan hệ.

“Những tiến triển thực tế về 3 chủ đề chính gồm quyền của các công dân, vấn đề biên giới Ireland và nghĩa vụ tài chính là cần thiết để chuyển sang thảo luận về giai đoạn chuyển tiếp cũng như mối quan hệ tương lai. Đây là các vấn đề hoàn toàn khác biệt”, ông Barnier nói.

Hiện giới chức EU đang gây áp lực để Anh thực hiện cam kết về tài chính khi rời EU. Chính phủ Anh hiện vẫn chưa đưa ra con số cụ thể để đáp ứng các nghĩa vụ tài chính với EU khi rời khỏi liên minh, dự kiến vào ngày 29/3/2019.

Trong khi đó, EU cũng chưa công bố con số chính thức về "hóa đơn ly dị", mặc dù các quan chức hàng đầu của EU cũng ước tính sơ bộ có thể vào khoảng 60-100 tỷ euro. Việc khó đạt được thỏa thuận trong dàn xếp thủ tục ra đi đang là rào cản chính tại các phiên thảo luận Brexit.

Bất chấp những bế tắc trong đàm phán hiện nay, trong cuộc gặp với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Tusk, Thủ tướng Anh Theresa May nhận định Anh và EU có thể khiến tiến trình Brexit diễn ra thành công nếu hai bên đều có sự sáng tạo.

Theo bà, bằng việc sáng tạo trong cách tiếp cận những vấn đề này, hai bên có thể tìm ra những giải pháp không những khả thi cho 27 quốc gia thành viên còn lại (của EU) mà còn cho cả Anh, cũng như duy trì sự hợp tác và quan hệ đối tác giữa Anh và EU./.