Quyết định được đưa ra sau phiên họp của Hội đồng Chính sách Tiền tệ (MPC) – một cơ quan thuộc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ. Cơ quan này cũng nhất trí tiếp tục tập trung vào việc thu hồi các khoản vay để đảm bảo rằng lạm phát vẫn nằm trong mục tiêu cho phép. Đồng thời hỗ trợ tăng trưởng.

Đây là lần thứ 2 Ngân hàng Trung ương Ấn Độ điều chỉnh tăng lãi suất chiết khấu kể từ khi bắt đầu năm tài chính hiện tại, từ ngày 1/4 vừa qua. Tháng trước, trong cuộc rà soát chính sách tiền tệ ngoài chu kỳ, RBI đã tăng lãi suất chiết khấu lên 40 điểm cơ bản, tương đương 0,40% lên mức 4,4%. Đây là lần tăng lãi suất chiết khấu đầu tiên trong gần hai năm qua của Ấn Độ. Lãi suất chiết khấu là lãi suất mà ngân hàng Trung ương cho các ngân hàng vay vốn ngắn hạn. Trong khi đó, RBI cũng nâng mức dự báo lạm phát tại nước này trong năm tài chính hiện tại thêm 1% từ 5,7 lên 6,7%.

Phát biểu công bố quyết định tăng lãi suất, Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ Shaktikanta Das cho biết: “Chúng tôi thấy cần thiết phải thận trọng với những thực tế mới trên toàn cầu và gắn chúng tới các động thái của RBI. Chiến tranh tại châu Âu còn kéo dài, chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức mới mỗi ngày trôi qua, nhấn mạnh tới sự tách rời, đổ vỡ của chuỗi cung ứng. Kết quả là giá lương thực, nhiên liệu và các loại hàng hóa tiêu dùng ngày càng leo thang. Tất cả các nước trên thế giới đều đang đối mặt với tình trạng lạm phát, giá cả leo thang chưa từng có và sự mất cân bằng cung cầu nghiêm trọng. Chiến tranh đã gây ra tình trạng toàn cầu hóa lạm phát. Chính vì thế, Ngân hàng Trung ương phải điều chỉnh các biện pháp giám sát thị trường của mình”.

Điều đáng lưu ý là dự báo lạm phát tại Ấn Độ cho thấy, 75% nguyên nhân liên quan tới nhóm hàng lương thực. Trong khi đó, các dự báo lạm phát cơ sở cho năm tài chính 2022 - 2023 của nước này đều chưa tính tới tác động của việc thực thi chính sách tiền tệ. Từ tháng 2 đến tháng 4 vừa qua, lạm phát toàn phần tại Ấn Độ đã tăng khoảng 170 điểm cơ bản./.