Đây là yêu cầu mà Thủ tướng Narendra Modi đã đưa ra với toàn thể người dân Ấn Độ trong bài phát biểu hôm Thứ Năm. Việc mỗi người không ra đường, hạn chế tiếp xúc, tụ tập đám đông chính là biện pháp hiệu quả và đơn giản trước tiên nhằm kiềm chế đại dịch toàn cầu này.

nguoi_dan_oahe.jpg
Người dân Ấn Độ.

Trong ngày “Tự giới nghiêm” Chủ nhật 22/3, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kêu gọi tất cả người dân Ấn Độ hãy ra ban công hoặc cửa sổ nhà mình vào lúc 5 giờ chiều để cùng vỗ tay, tri ân hàng trăm nghìn nhân viên ngành dịch vụ hàng không, vận tải, các y bác sĩ và cán bộ y tế đã vất vả chống dịch Covid-19 suốt 3 tháng qua.

Đây được coi như lời vận động toàn thể người dân nước này hãy cùng Chính phủ và các cơ quan chức năng kiềm chế, đẩy lùi SARS-CoV-2. Trong ngày này, mọi người dân được yêu cầu ở tại nhà từ 7h sáng tới 21 giờ tối, hạn chế tối đa việc ra đường, tới nơi đông người.

Đặc biệt, người già được khuyến cáo giữ gìn sức khỏe và không ra khỏi nhà trong giai đoạn dịch đang lan rộng. Chính phủ Ấn Độ cũng thúc giục chính quyền các bang, các tổ chức của thanh niên, xã hội dân sự tích cực tuyên truyền, vận động để người dân thực thi phong trào này.

Theo quan điểm của chính quyền Ấn Độ, việc người dân ở tại nhà suốt 14 tiếng đồng hồ trong ngày 22/3 chính là góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Trong ngày 22/3, hầu hết các dịch vụ vận tải công cộng như đường sắt liên bang, metro đều dừng hoạt động. Hầu hết các trung tâm thương mại, chợ tại các thành phố lớn đều đóng cửa. Tính chất của ngày “Tự giới nghiêm’’ mang tính vận động là chính, nên sẽ không ai bị xử phạt nếu phải ra đường vào ngày này.

Ý tưởng mang tính cộng đồng này lập tức nhận được sự hưởng ứng của nhiều người dân, các nghệ sỹ nổi tiếng, thậm chí cả các chính trị gia. Lãnh đạo Đảng Quốc đại đối lập Shashi Tharoor đã lên tiếng hoan nghênh sáng kiến của Thủ tướng Modi, cho rằng đây là hành động nhằm thắt chặt đoàn kết của cả dân tộc giữa những thử thách chưa từng có.

Diễn viên Rajinikanth một người ủng hộ ngày “Tự giới nghiêm’’ của thủ tướng Modi nói: “Chúng ta có thể ngăn chặn dịch Covid-19 chuyển sang giai đoạn thứ ba nếu mọi người cùng ở trong nhà, theo như hướng dẫn của thủ tướng Modi về ngày “Tự giới nghiêm’’ 22/3. Tất cả mọi người, cả người già và thanh niên nên cùng hợp tác để thực hiện điều này. Hãy cùng trân trọng những nhân viên y tế đang âm thầm ngăn chặn sự lây lan của virus này”.

Chứng chỉ "Tự giới nghiêm'' sẽ được trao trong ngày 22/3.

Ấn Độ cũng lập ra một trong web để những người ủng hộ Ngày "Tự giới nghiêm’’ có thể đăng ký tham gia và được nhận chứng chỉ "Tự giới nghiêm”.

Chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi suốt thời gian qua đã nỗ lực để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 từ bên ngoài vào Ấn Độ và lây nhiễm bên trong cộng đồng. Các biện pháp hạn chế nguồn lây lan từ nước ngoài vào đều được thực hiện nhanh và quyết liệt.

Nếu xét trên quy mô lãnh thổ, sự đa dạng về thành phần xã hội, năng lực còn hạn chế của ngành y tế, việc Ấn Độ kiềm chế virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng ở mức 332 người dương tính, 4 ca tử vong đã có thể coi là thành công. Tuy nhiên, đây chưa phải là đỉnh điểm của dịch Covid-19 nên sự tự ý thức và phòng chống của người dân vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu. 

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc vận động toàn dân tham gia phòng chống dịch mới chỉ là một phần của công việc cấp bách hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, chính quyền trung ương khá chậm chạp trong việc làm giảm các tác động tiêu cực của dịch Covid-19 lên kinh tế xã hội Ấn Độ.

Nhiều ngành kinh tế chủ chốt của Ấn Độ như hàng không, du lịch, thủy sản, chăn nuôi, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ… gần như tê liệt nhiều tuần qua vì các lệnh cấm nhập cảnh, cách ly và gián đoạn hoạt động kinh doanh toàn cầu.

Dự báo mới nhất của hãng phân tích CRISIL cho thấy, dự báo tăng trưởng GDP của Ấn Độ sẽ giảm từ 5.7 xuống còn 5.2% trong năm tài khóa 2020-2021. Trong bài phát biểu hôm thứ 5, thủ tướng Modi đã công bố Nhóm Đặc trách về kinh tế của chính phủ nhằm giải quyết những tác động của dịch Covid-19.

Người dân đang hy vọng Chính phủ Ấn Độ sẽ sớm đưa ra các gói giải pháp kinh tế nhằm ổn định tình hình kinh tế như nhiều nước đã làm. Đó có thể là các biện pháp can thiệp về tài khóa và tiền tệ, phối hợp cùng chính quyền các bang để làm giảm sức ép hiện nay với doanh nghiệp./.