Theo nghiên cứu này, với việc nhiệt độ ngày càng nóng lên kéo theo các khu vực khô hạn hơn, số lượng và sự phân bố các loài linh trưởng ở nhiều hòn đảo của Indonesia, đặc biệt ở đảo Java và Sulawesi, sẽ giảm sút đáng kể. 75% vượn mắt kính thuộc họ Tarsiidae và 50% họ vượn Hylobatidae có thể bị tuyệt chủng vào năm 2050. Cùng chung cảnh ngộ là đười ươi Sumatra và cu li chậm Java.
Để ngăn chặn viễn cảnh xấu, nghiên cứu đã khuyến nghị về tầm quan trọng của việc đưa ra các chiến lược, kế hoạch bảo tồn các quần thể linh trưởng tại Indonesia. Ông Mirza Kusrini, chuyên gia động vật hoang dã thuộc Học viện Nông nghiệp Bogor, cho rằng giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu là biện pháp cần thiết để bảo tồn các loài động vật.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra ở Anh, Tổng thống Indonesia - Joko Widodo khẳng định Indonesia luôn có trách nhiệm trong giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, đồng thời kêu gọi đoàn kết, hợp tác quốc tế khắc phục vấn đề này. Indonesia đã đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060 như một cách thức giảm khí phát thải gây nóng lên toàn cầu.
Indonesia là một trong những quốc gia có hệ sinh thái đa dạng nhất thế giới. Tuy nhiên những năm gần đây, hệ sinh thái ở Indonesia đã bị hủy hoại trông thấy do sự nóng lên toàn cầu, sự suy giảm diện tích đất rừng tự nhiên cũng như nạn săn bắn, buôn bán trái phép động vật hoang dã./.