Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye hôm nay (14/7) chủ trì một cuộc họp Hội đồng an ninh quốc gia ở thủ đô Seoul để thúc đẩy việc triển khai hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), bất chấp kế hoạch này vấp phải sự phản đối của Nga, Trung Quốc và một bộ phận người dân trong nước.
Cuộc họp hôm nay diễn ra chỉ một ngày sau khi Hàn Quốc thông báo địa điểm cho phép Mỹ triển khai hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối để đề phòng trước những mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ CHDCND Triều Tiên. Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang kể từ khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân thứ tư hồi tháng Một năm nay, sau đó là hàng loạt vụ phóng tên lửa các loại, từ tầm ngắn, tầm trung đến tầm xa.
Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD. |
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối sẽ được triển khai ở Seongju, miền Đông Nam nước này, nhằm tối đa hóa hiệu quả và giảm đến mức tối thiểu những tác động đối với người dân cũng như môi trường. Hệ thống này dự kiến bắt đầu vận hành vào cuối năm 2017.
Tuy nhiên, kế hoạch này vấp phải sự phản đối của một số người dân địa phương và một số người đã tổ chức biểu tình kêu gọi Bộ Quốc phòng rút lại quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại này. Mặc dù vậy, Tổng thống Park Geun-hye vẫn khẳng định, việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa này là vô cùng cần thiết.
Tổng thống Park Geun-hye nhấn mạnh: “Quyết định này dựa trên tính cấp bách của việc nhanh chóng tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa của liên minh Hàn – Mỹ. Bởi vì chúng tôi cho rằng không có gì quan trọng hơn là bảo vệ sinh mạng và sự an toàn của nguời dân trong bối cảnh những đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đang trở thành hiện thực.”
Mỹ và Hàn Quốc khẳng định hệ thống này chỉ được sử dụng để phòng vệ trước năng lực hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên nhưng Trung Quốc cảnh báo động thái này có thể chỉ đổ thêm dầu vào lửa trên bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc cũng bày tỏ quan ngại về hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối mà Mỹ triển khai trên lãnh thổ Hàn Quốc vì cho rằng radar của hệ thống này có thể lần theo các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở khu vực.
Nga cũng phản đối việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ này ở Hàn Quốc, cảnh báo kế hoạch này không đạt được hiệu quả gì mà còn dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng và “không thể khắc phục được” về mặt an ninh đối với khu vực Đông Bắc Á.
Theo phân tích của giới quan sát, có thể Mỹ và Hàn Quốc đã dời vị trí dự kiến lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa này để làm dịu đi căng thăng với Nga và Trung Quốc. Bởi trước đó có nhiều nguồn tin cho rằng Mỹ và Hàn Quốc có thể đặt Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối ở thành phố Daegu hoặc Pyeongtaek, chỉ cách thủ đô Seoul khoảng 70km về phía Nam. Song địa điểm cuối cùng được quyết định là Seongju nằm lui xuống phía Nam, xa biên giới Nga và Trung Quốc hơn.
Tuy nhiên, động thái đó vẫn không khiến Trung Quốc bớt lo ngại. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua chỉ trích kế hoạch này sẽ làm tổn hại đến lợi ích chiến lược của các nước trong khu vực, trong đó có Trung Quốc./.