Những suy đoán về mục đích X-37B
Boeing X-37, còn được gọi là Phương tiện thử nghiệm quỹ đạo (Orbital Test Vehicle - OTV), là một tàu vũ trụ robot có thể tái sử dụng, được đưa vào không gian bằng một phương tiện phóng, sau đó quay lại bầu khí quyển của Trái Đất và hạ cánh như một phi cơ vũ trụ. X-37 khởi đầu là một dự án của NASA vào năm 1999 với mục tiêu ban đầu là để X-37 tiếp xúc các vệ tinh và thực hiện sửa chữa, trước khi được chuyển giao cho Cơ quan quản lý Dự án Nghiên cứu Tiên tiến Quốc phòng (DARPA) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 13/9/2004 và chương trình trở thành một dự án mật.
X-37 bay lần đầu tiên trong một cuộc thử nghiệm thả rơi vào năm 2006; sứ mệnh quỹ đạo đầu tiên của nó được phóng vào tháng 4/2010 trên tên lửa Atlas V, và quay trở lại Trái đất vào tháng 12/2010. Các chuyến bay tiếp theo dần kéo dài thời gian thực hiện sứ mệnh, lần đầu tiên phóng bằng tên lửa Falcon 9, cho sứ mệnh thứ năm, đạt 780 ngày trên quỹ đạo; điệp vụ mới nhất - lần thứ sáu - được phóng lên không gian bằng Atlas V vào ngày 17/5/2020.
DARPA đã quảng bá X-37 như một phần của chính sách không gian độc lập mà Bộ Quốc phòng Mỹ đã theo đuổi kể từ sau thảm họa Challenger năm 1986 mà có suy đoán trên Space Daily rằng, X-37B có thể được sử dụng như một vệ tinh do thám hoặc mang vũ khí phóng từ không gian. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc đã bác bỏ những tuyên bố rằng các nhiệm vụ thử nghiệm của X-37B đã hỗ trợ sự phát triển của các loại vũ khí trên không gian.
Tháng 1/2012, có thông tin X-37B đang được sử dụng để do thám trạm vũ trụ Tiangong-1 của Trung Quốc. Tháng 10/2014, The Guardian đưa tin tuyên bố của các chuyên gia an ninh là X-37B đang được sử dụng “để kiểm tra các cảm biến do thám và gián điệp, đặc biệt là cách chúng chống lại bức xạ và các mối nguy hiểm khác trên quỹ đạo”. Tháng 11/2016, International Business Times phỏng đoán, chính phủ Mỹ đang thử nghiệm một phiên bản của động cơ đẩy vi sóng điện từ EmDrive trên chuyến bay thứ tư của X-37B.
Tháng 7/2019, cựu Bộ trưởng Không quân Mỹ Heather Wilson giải thích, khi X-37B ở trong quỹ đạo hình elip, nó có thể sử dụng bầu khí quyển mỏng để thực hiện một sự thay đổi quỹ đạo ngăn cản một số nhà quan sát khám phá ra quỹ đạo mới trong một thời gian cho các hoạt động bí mật… Cũng có ý kiến cho rằng, X-37B có thể được sử dụng để trinh sát và như một máy bay đánh chặn phá hủy cơ sở hạ tầng không gian của đối phương; con tàu của Mỹ giám sát các vệ tinh quân sự và trạm quỹ đạo của Trung Quốc và Nga, và nếu cần, nhanh chóng vô hiệu hóa chúng.
Thông tin mới nhất
Theo militarywatchmagazine.com, khả năng X-37 và các máy bay khác dựa trên công nghệ tương tự có thể mang lại cho Mỹ một lợi thế quyết định trong một cuộc chiến tiềm tàng trong tương lai, đã được nêu ra nhiều lần. Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn quốc phòng Nga Almaz-Antey, Yan Novikov, X-37 có thể được sử dụng như con tàu mang vũ khí hạt nhân và tình báo; tàu vũ trụ nhỏ hơn có thể mang tới 3 đầu đạn, tàu lớn có tới 6 đầu đạn…
Quân đội Mỹ được cho là có kế hoạch triển khai 8 máy bay vũ trụ tương tự vào năm 2025 và cùng với các nhiệm vụ tấn công hạt nhân, có khả năng được sử dụng để vô hiệu hóa các vệ tinh của đối phương. Tám tàu con thoi mang trên quỹ đạo từ 3 đến 6 đầu đạn hạt nhân có khả năng ở trong không gian trong thời gian dài ở chế độ tự hành. Khi bắt đầu chương trình này, Lầu Năm Góc cho rằng X-37B sẽ có thể ở đó hơn 270 ngày, nhưng kỷ lục này liên tục bị phá vỡ: trong chuyến bay thứ tư, máy bay không người lái thử nghiệm đã ở trên quỹ đạo trong 718 ngày, tiếp theo - trong 780 ngày.
Điều này có nghĩa là, mỗi chiếc X-37B sẽ có thể thực hiện nhiệm vụ chiến đấu trong hai năm, khi nhận được lệnh, có khả năng phóng từ độ cao 300-320 km từ 3 đến 6 đầu đạn hạt nhân. Đây không phải là vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mà Nga có thể theo dõi và có công nghệ đánh chặn đã được chứng minh.
Nga sẽ ngăn chặn tấn công hạt nhân từ không gian như thế nào?
Nga có gì để chống lại một cuộc ném bom hạt nhân tiềm tàng từ quỹ đạo? Liên Xô đã đầu tư rất nhiều để chống lại các mối đe dọa từ độ cao lớn, với máy bay đánh chặn MiG-25 Foxbat có thể hoạt động ở một mức độ hạn chế trong không gian ở độ cao hơn 35 km và người kế nhiệm là MiG-31 Foxhound không chỉ có thể hoạt động mà còn sử dụng tất cả vũ khí của nó trong không gian gần. Sự sụp đổ của Liên Xô buộc Nga sau đó phải hủy bỏ chương trình đánh chặn MiG-31M do khủng hoảng kinh tế, mặc dù loại máy bay này đã hoàn thành thử nghiệm và sẵn sàng để sản xuất hàng loạt.
Nga chủ yếu dựa vào các khung máy bay MiG-31 nâng cấp tích hợp một số công nghệ mới, nhiều công nghệ từ MiG-31M, mặc dù khả năng đe dọa một máy bay như X-37 vẫn còn hạn chế. Chương trình đánh chặn thế hệ tiếp theo, được gọi là “MiG-41” đang trong thời kỳ phát triển. Nga hiện đang phát triển hệ thống phòng không siêu thanh tầm xa S-500, đây là giải pháp thay thế rẻ hơn cho các máy bay đánh chặn để vô hiệu hóa máy bay và vệ tinh vũ trụ.
Nga là quốc gia lớn nhất về lãnh thổ và chỉ có Moscow thực sự được bảo vệ bằng chiếc ô chống tên lửa, được tạo ra vào những năm 70 của thế kỷ trước, khi Liên Xô và Mỹ đồng ý về giới hạn lẫn nhau của các hệ thống phòng thủ tên lửa trong một khu vực vị trí có bán kính 150 km. Lá chắn chống tên lửa của Nga được đặt tên là A-135 “Amur”.
Các tính năng kỹ thuật và chiến thuật chính của nó được bảo mật, nhưng người ta biết rằng trạm radar Don-2N đã từng là trạm radar mặt đất duy nhất có thể tìm thấy một quả bóng tennis trong không gian, được bắn từ tàu con thoi Discovery cho một cuộc thử nghiệm, và vẽ quỹ đạo của nó. “Amur” hạt nhân che chắn một cách đáng tin cậy Moscow bằng lá chắn chống tên lửa.
Nhưng phần còn lại của Nga - Petersburg, Kazan, Novosibirsk, Yekaterinburg, Sochi, Chelyabinsk, Vladivostok và các thành phố khác thì sao? Năm 2002, Mỹ đã đơn phương rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM). Với sự xuất hiện của các máy bay vũ trụ X-37B của Mỹ cùng một số đầu đạn hạt nhân trên quỹ đạo trong trạng thái trực chiến liên tục, cán cân quyền lực có thể thay đổi khá bất lợi với Nga.
Các mối đe dọa hiện đại đòi hỏi phải hiện đại hóa sâu sắc hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều lớp A-235 (Nudol), được phát triển bởi Almaz-Antey. Tính năng của nó là bí mật, nhưng theo nguồn mở được biết với phiên bản cải tiến, Nudol có khả năng cơ động, có thể đánh chặn ở độ cao 500 đến 750 km, tức là ở vùng quỹ đạo thấp, bằng cả tên lửa phi hạt nhân. “Nudol” có thể phá hủy tàu con thoi, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu kẻ thù tiềm năng phát động một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu “mà không tuyên bố” bằng cách thả các đầu đạn từ tàu vũ trụ?
Việc đánh chặn chúng sẽ trở thành một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn mà toàn bộ hệ thống phòng thủ chống tên lửa sẽ phải được xây dựng lại. Hệ thống tên lửa phòng không S-500 đầy hứa hẹn sẽ có thể góp phần vào việc này. “Prometheus” trở thành hệ thống phòng không đầu tiên trên thế giới có khả năng hoạt động trong không gian gần. Tên lửa dẫn đường tầm cực xa 40N6 của nó có thể đạt tốc độ lên đến Mach 9 và đánh chặn mục tiêu bay với tốc độ Mach 15,6 ở độ cao 200-250 km.
Kiến trúc mới của hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ tối ưu hóa công việc của Prometheus: đối với các loại mục tiêu khác nhau - máy bay và trực thăng, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, vệ tinh - sẽ có một trạm radar riêng biệt và các hệ thống phòng không sẽ được trang bị các loại tên lửa chống tên lửa chuyên dụng để đạt hiệu quả tối đa. S-500 sẽ phải được điều chỉnh để đánh chặn các cuộc tấn công có thể xảy ra từ quỹ đạo.
Như vậy, Nga có cơ sở kỹ thuật để ngăn chặn mối đe dọa mới từ không gian, nhưng để thực sự bảo vệ cả đất nước, hoặc ít nhất là các thành phố trọng điểm với dân số hơn một triệu người và cơ sở hạ tầng chiến lược, thì cần phải đầu tư nguồn lực tài chính khổng lồ, và Nga sẽ phải liên tục theo dõi tình hình trên quỹ đạo để loại trừ một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu. Trên thực tế, điều này đồng nghĩa là có một vòng mới của cuộc chạy đua vũ trang.
Nga cần phải tính toán xem liệu có thể tạo ra một mối đe dọa đối xứng cho Mỹ bằng cách phóng những chiếc máy bay vũ trụ “Buran mini” của mình lên quỹ đạo hay không. Giải pháp nào sẽ hợp lý hơn - cố gắng tạo ra một lá chắn chống tên lửa bất khả xâm phạm trên một đất nước rộng lớn, hay đầu tư vào việc khôi phục việc sản xuất tàu con thoi không người lái thu nhỏ để sử dụng cho mục đích kép?./.