Ngành công nghiệp vũ khí tăng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), doanh số bán vũ khí của 100 công ty vũ khí hàng đầu vào năm 2020 cao hơn 17% so với năm 2015 - năm đầu tiên SIPRI đưa dữ liệu về các công ty Trung Quốc. Đây là năm thứ sáu liên tiếp doanh số bán vũ khí của Top 100 tăng. Doanh số bán vũ khí tăng ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu suy giảm 3,1% trong năm đầu tiên của đại dịch.
Tuy nhiên, hoạt động của thị trường quân sự cũng bị các tác động của đại dịch. Nhà sản xuất vũ khí của Pháp Thales cho rằng, doanh số bán vũ khí giảm 5,8% là do sự gián đoạn vì các biện pháp phòng, chống dịch đầu năm 2020. Một số công ty cũng cho thấy có sự gián đoạn chuỗi cung ứng và việc giao hàng bị trì hoãn.
Các công ty Mỹ tiếp tục thống trị bảng xếp hạng
Kể từ năm 2018, năm công ty hàng đầu trong bảng xếp hạng đều có trụ sở tại Mỹ. Theo SIPRI, trong năm 2020, Mỹ một lần nữa có nhiều công ty được xếp hạng cao nhất trong Top 100. Không những vậy, doanh số bán vũ khí của 41 công ty Mỹ lên tới 285 tỷ USD - tăng 1,9% so với năm 2019 - chiếm 54% tổng doanh số bán vũ khí trong Top 100.
Ngành công nghiệp vũ khí của Mỹ đang trải qua làn sóng mua bán và sáp nhập. Để mở rộng danh mục sản phẩm của mình và để có được lợi thế cạnh tranh khi đấu thầu các hợp đồng, nhiều công ty vũ khí lớn của Mỹ đang chọn hợp nhất hoặc mua lại các dự án liên doanh đầy hứa hẹn, đặc biệt rõ nét là trong lĩnh vực không gian.
Các công ty Trung Quốc chiếm thị phần lớn thứ hai trong Top 100 doanh số bán vũ khí
Doanh số bán vũ khí tổng hợp của 5 công ty Trung Quốc có trong Top 100 ước tính lên tới 66,8 tỷ USD trong năm 2020, nhiều hơn 1,5% so với năm 2019. Các công ty Trung Quốc chiếm 13% tổng doanh số bán vũ khí trong năm 2020, đứng sau các công ty Mỹ và đứng trên các công ty Anh, chiếm thị phần lớn thứ ba.
Kết quả hỗn hợp giữa các công ty vũ khí châu Âu
26 công ty vũ khí châu Âu trong Top 100 cùng chiếm 21% tổng doanh số bán vũ khí, tương đương 109 tỷ USD. Bảy công ty của Anh đã ghi nhận doanh thu bán vũ khí 37,5 tỷ USD vào năm 2020, tăng 6,2% so với năm 2019. Doanh số bán vũ khí của BAE Systems - công ty châu Âu duy nhất trong top 10 - tăng 6,6% lên 24,0 tỷ USD.
Doanh số bán vũ khí tổng hợp của sáu công ty Pháp trong Top 100 giảm 7,7%. Sự sụt giảm đáng kể này phần lớn là do số lượng chiến đấu cơ Dassault Rafale được giao giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, doanh số bán vũ khí của Safran đã tăng lên nhờ việc bán các hệ thống định vị và dẫn hướng.
Doanh số bán vũ khí của bốn công ty Đức có tên trong Top 100 đạt 8,9 tỷ USD vào năm 2020 - tăng 1,3% so với năm 2019. Cùng với nhau, các công ty này chiếm 1,7% tổng doanh số bán vũ khí của Top 100. Rheinmetall - nhà sản xuất vũ khí lớn nhất của Đức, ghi nhận doanh số bán vũ khí tăng 5,2%; trong khi đó, công ty đóng tàu ThyssenKrupp - giảm 3,7%.
Doanh số bán vũ khí của Nga giảm năm thứ ba liên tiếp
Các công ty Nga chiếm 5,0% trong tổng số Top 100 công ty vũ khí hàng đầu. Doanh số bán vũ khí tổng hợp của 9 công ty Nga được xếp hạng trong Top 100 đã giảm từ 28,2 tỷ USD vào năm 2019 xuống còn 26,4 tỷ USD vào năm 2020. Điều này đánh dấu sự tiếp tục giảm kể từ năm 2017 khi doanh số bán vũ khí của các công ty Nga đạt đỉnh trong Top 100.
Điều này được giải thích là do việc hoàn thành Chương trình Vũ trang Nhà nước 2011–20 và sự chậm trễ trong lịch trình giao hàng liên quan đến đại dịch. Almaz-Antey và United Shipbuilding Corporation đã chứng kiến doanh số bán vũ khí của họ lần lượt giảm 31% và 11%. Trong khi đó, United Aircraft Corporation đã tăng doanh số bán vũ khí của mình lên 16%.
Một bước phát triển quan trọng khác trong ngành công nghiệp vũ khí của Nga là đa dạng hóa các dòng sản phẩm. Các công ty Nga hiện đang thực hiện chính sách của chính phủ nhằm tăng thị phần bán hàng dân dụng lên 30% tổng doanh số bán hàng của họ vào năm 2025 và 50% vào năm 2030. Đồng thời, sự sụt giảm xảy ra trong bối cảnh các biện pháp hỗ trợ các khu liên hợp công nghiệp-quân sự mà chính phủ đã thực hiện để giảm tác động tiêu cực của đại dịch.
Những diễn biến đáng chú ý khác trong Top 100
Nói chung, doanh số bán vũ khí của các công ty trong Top 100 có trụ sở bên ngoài Mỹ, Trung Quốc, Nga và châu Âu đạt tổng cộng 43,1 tỷ USD trong năm 2020 - tăng 3,4% so với năm 2019. Con số này chiếm 8,1% tổng doanh số bán vũ khí của Top 100. Doanh số bán vũ khí của ba công ty Israel có tên trong Top 100 đạt 10,4 tỷ USD, tương đương 2,0% tổng số. Tổng doanh số bán vũ khí của 5 công ty Nhật Bản trong bảng xếp hạng là 9,9 tỷ USD trong năm 2020, tương đương 1,9% tổng doanh số.
Bốn công ty Hàn Quốc đã được đưa vào bảng xếp hạng. Doanh số bán vũ khí tổng hợp của họ lên tới 6,5 tỷ USD trong năm 2020, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Doanh số bán vũ khí kết hợp của ba công ty Ấn Độ trong Top 100 tăng 1,7%. Năm 2020, chính phủ Ấn Độ đã công bố lệnh cấm nhập khẩu theo từng giai đoạn đối với một số loại thiết bị quân sự để tăng cường sản xuất trong nước.
Phương pháp phân tích thị trường vũ khí của SIPRI không phản ánh thực tế?
Giám đốc Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật-Quân sự (FSVTS, Nga) Dmitry Shugayev nói, các phương pháp mà SIPRI sử dụng để phân tích thị trường vũ khí toàn cầu không phản ánh tình hình thực tế. Thay vì giá vốn cụ thể, họ sử dụng cái gọi là chỉ báo xu hướng, có ý nghĩa gần giống đối với các sản phẩm tương tự. Theo ông Shugaev, việc đánh giá khía cạnh định lượng không thể được sử dụng để đánh giá khối lượng xuất khẩu; các phương pháp biên soạn xếp hạng SIPRI giả định trước một sự thiên vị chính trị trong đánh giá.
Còn theo Rostec, kết luận của SIPRI về việc giảm doanh số bán vũ khí của Nga không thể là một nguồn thông tin khách quan. SIPRI tính toán doanh số bán vũ khí bằng USD, trong khi các sản phẩm quân sự của Nga được trả bằng đồng rúp mà không tính đến chênh lệch tỷ giá hối đoái. Xếp hạng cần được tính bằng số tiền thu được chứ không phải bằng số lượng xe tăng, máy bay, trực thăng và các loại vũ khí khác./.