Thuộc dòng trực thăng tốt nhất thế giới
Đây là phiên bản trực thăng MI-17V5 – một trong những phiên bản mới nhất của trực thăng vận tải quân sự do Nga sản xuất, được dùng phổ biến trên thế giới. Nó thuộc dòng máy bay trực thăng quân sự MI-8/17, có thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay kỹ thuật số (FDR) và thiết bị ghi âm buồng lái (CVR).
Các dữ liệu công khai, thu được từ số hiệu trên đuôi của chiếc trực thăng gặp nạn cho thấy, chiếc trực thăng này nằm trong hợp đồng mua 80 trực thăng hạng trung MI-17V5 đầu tiên của Ấn Độ, được ký kết năm 2018. Theo chuyên gia hàng không Angad Singh, đơn đặt hàng sau đó đã được gia tăng lên 150 chiếc.
Dòng trực thăng này có nhiều phiên bản, trong đó có phiên bản 36 ghế dùng để chở quân, phiên bản chở hàng và một phiên bản được trang bị hệ thống phao nổi khẩn cấp. Kíp lái gồm 3 thành viên, trong đó có phi công chính, phi công phụ và kỹ sư. MI-17 V5 là một trong những cải tiến hiện đại nhất của dòng trực thăng Mi-8/17 có xuất xứ từ Nga. Đây là trực thăng sử dụng động cơ đôi, có một cánh quạt chính và một cánh quạt phụ ở phần đuôi, với thiết kế cải tiến về hiệu suất và phần mũi giống mũi cá heo, có 1 cửa trượt bên phải và 1 cửa trượt bên trái.
MI-17 V5 có thể mang nhiều thiết bị bên trong khoang hàng hóa hoặc gắn vào dây treo bên ngoài, chở người bị thương hay các lực lượng tấn công đường không. Hệ thống vũ khí trang bị trên trực thăng gồm rocket không có dẫn đường, pháo cỡ nòng 23mm và 250 viên đạn. Nó cũng có thể được trang bị hệ thống phòng thủ chống tên lửa tầm nhiệt, có buồng lái bọc thép dày và nhiều tính năng khác để gia tăng khả năng sống sót trong trường hợp xảy ra tai nạn hoặc sự cố.
Hệ thống điều hướng và hệ thống hiển thị điện tử trên buồng lái cho phép phi công nắm chính xác vị trí hiện tại của máy bay, bản đồ địa hình điện từ và tuyến đường bay, xử lý dữ liệu chuyến bay… Trực thăng được trang bị hệ thống lái tự động kỹ thuật số với nhiều tính năng mới và thiết bị áp chế điện tử để chống lại hệ thống phòng không di động của đối phương, thiết bị nhìn đêm (kính hồng ngoại và hệ thống ảnh nhiệt).
Trực thăng có khả năng hạ cánh xuống các địa điểm không báo trước vào ban đêm và trong điều kiện thời tiết bất lợi.
MI-17 V5 có tốc độ tối đa 250 km/h và tốc độ hành trình 230 km/h, trần bay 6.000 m và phạm vi bay khi sử dụng thùng nhiên liệu chính là 675 km. Với hai thùng nhiên liệu phụ, nó có thể bay xa 1.180 km. MI-17 V5 có thể mang trọng tải tối đa 4 tấn. Trọng lượng cất cánh tối đa của trực thăng là 13 tấn.
Xương sống của không quân Ấn Độ
Chính phủ Ấn Độ đã ký hợp đồng với nhà sản xuất Nga mua 80 máy bay trực thăng MI-17 V5 vào năm 2008 với chi phí 1,3 tỷ USD. Việc giao hàng được tiến hành vào năm 2013. Lô trực thăng cuối cùng được chuyển giao cho Không quân Ấn Độ vào năm 2018.
Không quân Ấn Độ đã thiết lập một cơ sở sửa chữa và bảo dưỡng cho máy bay trực thăng MI-17V5 căn cứ ở Chandigarh. MI-17V5 là xương sống trong phi đội trực thăng vận tải hạng trung của lực lượng không quân. Mặc dù đã có gần 10 năm phục vụ trong IAF nhưng đây vẫn được coi là máy bay trực thăng hiện đại nhất và ít gặp tai nạn.
Tuy nhiên trong những năm gần đây, đã có một số sự cố xảy ra. Mới nhất xảy ra ngày 18/11, một chiếc trực thăng MI-17V5 bị rơi ở phía đông Arunachal Pradesh do trục trặc kỹ thuật. Tuy nhiên, tất cả những người trên máy bay đều an toàn.
Vào tháng 2/2019, khi xung đột nổ ra giữa Ấn Độ và Pakistan sau vụ không quân Ấn Độ không kích thị trấn Balakot thuộc Pakistan, cách Đường kiểm soát (LOC), biên giới thực tế của hai nước tại khu vực tranh chấp ở Kashmir, khoảng 50 km. Một chiếc trực thăng Mi-17 cất cánh từ Srinagar đã rơi do trúng tên lửa nhà, khiến 6 người thiệt mạng. Tham mưu trưởng quân đội Ấn Độ, Tướng Bipin Rawat và Nguyên soái không quân RKS Bhadauria gọi đây là “một sai lầm lớn” và đã trừng phạt 2 phi công.
Ngoài Ấn Độ, MI-17V5 cũng xuất hiện trong lực lượng không quân của gần 50 quốc gia, trong đó có Iraq và Afghanistan./.