Thiếu hụt trong kho tên lửa Mỹ
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, Mỹ đã cung cấp hàng nghìn rocket, tên lửa, những vũ khí nhỏ và lựu pháo cho Kiev. Điều đó khiến cho kho vũ khí Mỹ hiện đang đối mặt với sự thiếu hụt lớn. Các quan chức Washington đang đàm phán để bổ sung kho vũ khí nhưng một số loại vũ khí hiện không còn sản xuất sẽ không dễ để bắt đầu sản xuất lại.
Kể từ khi cuộc chiến nổ ra ở Ukraine, theo Lầu Năm Góc, Mỹ đã cung cấp 3,8 tỷ USD hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Mỹ đã vận chuyển các vũ khí và trang thiết bị qua các máy tay vận tải thuộc Bộ Chỉ huy Cơ động trên không, băng qua Đại Tây Dương để tới các căn cứ quân sự ở Ba Lan. Từ đây, các trang thiết bị sẽ được chở bằng tàu và xe tải tới Ukraine.
Cho tới nay, Bộ Quốc phòng Mỹ đã cung cấp ít nhất 7.000 tên lửa chống tăng FGM-148 Javelin và 1.400 tên lửa phòng không FIM-92E Stinger cho Ukraine. Đây thực sự là những con số lớn so với kho tên lửa của Lầu Năm Góc. Mark Cancian, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ước tính, Mỹ đã chuyển cho Ukraine khoảng 1/3 tổng số tên lửa Javelin của nước này và 1/4 tổng số tên lửa Stinger. Kho tên lửa này vẫn duy trì trên khắp thế giới nhằm đảm bảo các lực lượng của Mỹ có thể phản ứng trước những trường hợp khẩn cấp trên toàn cầu, từ Nga ở châu Âu cho tới Trung Quốc và Triều Tiên ở châu Á, hoặc thậm chí phản ứng với nhiều tình huống khẩn cấp cùng lúc.
Bài toán khó của Mỹ
Mỹ, Ba Lan và Estonia đã cung cấp tên lửa Javelin cho Ukraine, loại vũ khí mà cả 3 nước này cuối cùng sẽ cần thay thế. Tên lửa Javelin được ra mắt lần đầu vào giữa những năm 1990 vẫn đang được sản xuất. Để bổ sung kho tên lửa này, Lockheed Martin dự kiến sẽ tăng cường sản xuất tên lửa Javelin từ 2.100 tên lửa/năm lên 4.000 tên lửa/năm. Mặc dù con số này nghe có vẻ lớn nhưng công ty này vẫn phải mất tới 2 năm để lấp đầy khoảng trống của tên lửa Javelin trong kho tên lửa của Mỹ. Công ty này cũng cần thêm thời gian để thiết lập chuỗi cung ứng nhằm cung cấp những bộ phận khác nhau của tên lửa giữa bối cảnh thiếu chất bán dẫn trên toàn cầu - một nguyên liệu mà hệ thống dẫn đường của Javelin phụ thuộc vào.
Một lý do nữa cho sự chậm trễ của việc bổ sung tên lửa là thời gian cung cấp, hiện rơi vào khoảng 32 tháng. Điều đó tức là các tên lửa sẽ được chuyển giao sau 32 tháng kể từ khi đặt hàng. Trừ khi quá trình này được rút ngắn qua việc tăng cường sản xuất, nếu không thì sẽ cần tới gần 3 năm để những tên lửa mới đầu tiên đến được tay binh sĩ trên chiến trường.
Việc sản xuất thêm tên lửa Stinger cũng đối mặt với nhiều thách thức. Tên lửa Stinger ra mắt lần đầu vào những năm 1980 và theo chuyên gia Cancian, Mỹ đã dừng mua tên lửa này từ năm 2003. Dây chuyền sản xuất tên lửa Stinger của Raytheon đã duy trì thêm 17 năm nữa để phục vụ các đơn hàng ở nước ngoài nhưng cuối cùng đã dừng lại vào tháng 12/2020. Stinger là một thiết kế cũ và đã lỗi thời so với các tiêu chuẩn hiện đại. Nhiều thành phần của nó, trong đó có các vi mạch đã không còn được sản xuất. CEO của Raytheon cho biết sẽ cần từ 6 - 12 tháng để tái khởi động dây chuyền sản xuất và công ty này sẽ thiết kế lại đầu dò của tên lửa sử dụng các thành phần sẵn có hiện nay.
Việc lấp đầy nguồn cung tên lửa Stinger và Javelin sẽ mất một vài tháng tới một vài năm. Vấn đề nguồn cung Mỹ đang đối mặt thậm chí có thể trở nên tồi tệ hơn nếu Lục quân và Thủy quân lục chiến của nước này phải chiến đấu trên nhiều mặt trận. Cuộc chiến ở Ukraine sẽ buộc Lầu Năm Góc phải đối mặt với vấn đề làm sao có thể tăng sản xuất vũ khí trong những tình huống khẩn cấp, cho phép chính phủ tiếp nhận vũ khí mới trong vài tuần chứ không phải vài tháng hay vài năm./.