Một hướng phát triển loại vũ khí tự động là tăng cường tính năng mới cho vũ khí cũ. Trung Quốc đã chuyển đổi xe tăng T-59 thành robot điều khiển từ xa-bước thử nghiệm để tiến tới xe tăng tự động hóa hoàn toàn. Đặc biệt, Trung Quốc rất mạnh về lĩnh vực UAV.
Tiêm kích không người lái Loyal Wingman của Boeing Australia. Ảnh: ainonline.com. |
Tại Triển lãm hàng không-vũ trụ quốc tế lần thứ 12 (12/2018) ở Chu Hải, nước này đã trưng bày các UAV thuộc các chủng loại và chức năng khác nhau. Trung Quốc là nước đầu tiên trên thế giới đưa ra khái niệm và trình diễn kịch bản chiến thuật sử dụng bầy UAV chiến đấu đa cánh quạt được trang bị các loại vũ khí hàng không có khả năng làm thay đổi tính chất các hoạt động tác chiến của lục quân trong tương lai gần.
Bầy UAV đa cánh quạt có thể hoạt động trong bán kính 30km, thời gian bay 1 giờ với các nhiệm vụ tiêu diệt tăng-thiết giáp và các phương tiện vận tải, các đội hình chiến đấu của đối phương, pháo binh, radar, các cơ sở kỹ thuật và kho tàng, các đầu mối thông tin, binh sĩ, máy bay trong hầm chứa, trạm cung cấp năng lượng; nó cũng có thể gây nhiễu và với tên lửa không đối không còn có thể tấn công UAV, trực thăng… Vấn đề đang đặt ra là trang bị trí tuệ nhân tạo cho các UAV này.
Các UAV của Trung Quốc bao gồm CH-4 (Cầu Vồng 4, đã được trang bị hệ thống lái tự động, có thể ném bom có lái dẫn nặng 50 kg), CH-5 (trinh sát và chiến đấu, được sản xuất cách đây 4 năm, nặng 3,3 tấn, có sải cánh dài 21 m, có thể mang 8 tên lửa mỗi cánh, dự kiến sẽ sản xuất đại trà vào năm 2022), CH-7 được dự kiến sẽ bay thử lần đầu tiên vào cuối năm nay. Trung Quốc còn thử nghiệm một số loại máy bay không người lái nhỏ hơn như Dực Long (Wing Loong), máy bay đánh bom cảm tử CH 901.
UAV Trung Quốc hiện được trang bị cho quân đội Kazakhstan, Pakistan, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất. Hơn 30 UAV trinh sát-tiến công CH-4 đã được chuyển giao cho Iraq và Saudi Arabia. Tổng giờ bay của các UAV CH-4 xuất khẩu là 10.000 giờ, đã phóng thả hơn 400 bom đạn, độ chính xác vũ khí đạt 96%. Giai đoạn 2008-2017, Bắc Kinh đã bán được 88 UAV, đứng thứ ba thế giới sau Mỹ và Israel, mang lại mỗi năm 23 tỉ nhân dân tệ (3,34 tỉ USD) và dự kiến đến năm 2025 đạt 180 tỉ nhân dân tệ.
Công ty Beijing Sifang được cho đang hoàn tất xuồng không người lái Seafly-1 và dự định thử nghiệm biến thể xuồng này trang bị tên lửa trong năm 2019. Họ đã phát triển các thuật toán cho phép xuồng thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu trong đội hình bầy và phối hợp với các phương tiện khác. Trung Quốc còn phát triển tàu lặn không người lái có thể nhận dạng mục tiêu và tự động thả mìn.
Từ đầu thế kỷ 21, Bắc Kinh đã cung cấp một nguồn kinh phí rất lớn để phát triển các robot dưới đại dương (AUV) tương đương với chương trình vũ khí hạt nhân, nhưng không công bố bất cứ thông tin nào về những kết quả đạt được. Các AUV nhiều chủng loại khác nhau có thể phục kích dưới nước với thời gian rất dài, có sứ mệnh thu thập các thông tin tình báo, trinh sát ở các vùng biển… Thông tin tình báo sẽ được chuyển thường xuyên, liên tục đến các trung tâm chỉ huy và tham mưu chiến trường trên chiến hạm nổi, hoặc trực tiếp đến các tàu ngầm./.