Đã có đồn đoán rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể dùng xe tăng và bộ binh đánh chiếm các tổ hợp tên lửa phòng không S-400 Nga vừa triển khai ở Syria.
Điều đó liệu có thể xảy ra?
"Điểm tới hạn"
Ngày 24/11 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã điều chiến đấu cơ F-16 bắn hạ cường kích cơ Su-24 của Nga, khiến một phi công Nga thiệt mạng và một lính thuỷ đánh bộ hy sinh trong quá trình tìm kiếm cứu nạn phi công.
Lý giải cho hành động cứng rắn đó, Thổ cho rằng máy bay chiến đấu của Nga đã xâm phạm không phận của mình, trong khi Nga bác bỏ điều này và đưa ra các dẫn chứng cáo buộc máy bay Thổ đã vượt qua biên giới Syria để tấn công máy bay Nga.
Sau sự kiện chấn động nói trên, cả thế giới nín thở chờ đợi hành động của Nga.
Cuối cùng, Nga đã không đáp trả Thổ Nhĩ Kỳ bằng hành động quân sự, đúng như Tổng thống Nga Putin đã tuyên bố ngay sau sự cố nói trên.
Các tổ hợp tên lửa phòng không S-400 vừa được Nga điều động tới chiến trường Syria. |
Về quân sự, Nga đưa tổ hợp tên lửa phòng không S-400 sang Syria, quản lý toàn bộ không phận của nước này, khiến máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ "không dám cất cánh"-như báo chí quốc tế loan tin, và chắc chắn sẽ khiến việc không kích IS trên lãnh thổ Syria của liên quân do Mỹ dẫn đầu sẽ gặp không ít khó khăn trong thời gian tới.
Tổng thống cũng như Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ trước sau như một vẫn kiên quyết không xin lỗi về việc F-16 của mình bắn hạ máy bay Nga, trong khi Nga yêu cầu và chờ đợi điều này.
Tuy nhiên, ngày 28/11 vừa qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã phải thốt lên rằng “thực sự đau buồn” vì sự cố trên và "ước rằng mọi chuyện không diễn ra như vậy".
Rõ ràng, Thổ Nhĩ Kỳ đã có biểu hiện "xuống thang" trong vụ việc này.
Trong khi đó, điều mà Thổ trông đợi ở NATO là sự ủng hộ hành động của mình khi bắn hạ máy bay Nga lại không diễn ra như mong đợi. NATO vẫn giữ thế "trung lập".
Việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay của Nga đã đưa 2 nước tiến sát "điểm tới hạn", và phía trước nó là "miệng hố chiến tranh" đang ở rất gần.
Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng chiếc Su-24 của Nga đã vượt sang không phận của mình 17 giây và F-16 đã thực hiện bổn phận để bảo vệ lãnh thổ quốc gia.
Tuy nhiên, nếu Thổ điều xe tăng sang Syria chiếm trận địa tên lửa S-400 lại là câu chuyện hoàn toàn khác, và khi đó điều gì sẽ chờ đợi quốc gia này?
Trước hết cần khẳng định, hành động đó không còn là "tự vệ"-như cách Thổ lập luận trong tình huống bắn hạ máy bay Nga, mà nó sẽ được coi như việc Thổ chính thức "phát động chiến tranh".NATO đã trung lập, nói chính xác là không ra mặt bảo vệ Thổ khi chính quyền Ankara quyết định bắn hạ máy bay Nga, thì liệu tổ chức này có dám sử dụng hành động quân sự để bảo vệ Thổ khi nước này chủ động "phát động chiến tranh". Đặc biệt trong khi nhiều thành viên NATO đang đau đầu, loay hoay với cuộc chiến chống IS và cần sự hợp tác từ Nga, đó là còn chưa nói đến các lợi ích đan xen khác.
Vẫn biết Thổ là quốc gia có tiềm lực quân sự khá mạnh, nhưng chắc không ai có đủ tự tin đến mức đem so sánh sức mạnh quân sự của Thổ với Nga- cường quốc quân sự trên thế giới.Đội hình xe tăng của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. |
Thật khó có thể một mình đối đầu với Nga khi xung đột quân sự nổ ra, sự dạn dày kinh nghiệm chính trường đủ làm Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hiểu rõ điều này.
Bên cạnh đó cũng cần phải đặt ra câu hỏi, Thổ Nhĩ Kỳ được gì khi quyết định đánh chiếm các tổ hợp tên lửa S-400 của Nga? Vì giá trị của mục tiêu S-400 hay để củng cố vị thế chính trị của mình?
Nga không chỉ có duy nhất các tổ hợp tên lửa phòng không S-400 đang triển khai tại Syria, và giá trị các mục tiêu này cũng không cao đến mức chính quyền của Tổng thống Erdogan phải đi một nước cờ mạo hiểm. Trong khi sự cố bắn hạ Su-24 của Nga đang khiến Thổ khốn đốn, thì chính quyền Ankara cũng không dại gì chuốc lấy rủi ro nhằm củng cố “vị thế chính trị” bằng việc xâm phạm lãnh thổ Syria để đối đầu với “gấu Nga”.
Giả định
Tuy cho rằng không thể xảy ra việc Thổ Nhĩ Kỳ triển khai bộ binh và xe tăng vượt biên giới, xâm phạm lãnh thổ Syria để đánh chiếm các trận địa S-400 của Nga, song giả định nếu chuyện đó xảy ra, Nga có bảo vệ được vũ khí của mình và sẽ bảo vệ bằng cách nào?
Liệu xe tăng và bộ binh Thổ Nhĩ Kỳ có an toàn trước sát thủ trên không Mi-24 của Nga. |
Cần biết rằng, trên chiến trường Syria, Nga không chỉ có S-400, mà còn có các loại vũ khí được coi là "sát thủ" của tăng-thiết giáp cũng như bộ binh địch, đó là các loại trực thăng vũ trang, trong đó có "xe tăng bay" Mi-24 được trang bị các loại hoả lực không đối đất cực mạnh. Đó là chưa kể đến các cường kích cơ hiện đại khác.
Có lập luận cho rằng, Nga không có lực lượng bộ binh để đối phó với bộ binh Thổ, nếu quân Thổ vượt qua biên giới, nhưng cần nhớ rằng Nga không đơn độc, mà sát cánh bên họ là lực lượng quân sự của Chính phủ Syria.
Hoạt động tìm kiếm cứu nạn cơ phó của chiếc Su-24 bị Thổ bắn hạ vừa qua giữa lực lượng đặc nhiệm mặt đất của Syria với lực lượng trên không của Nga là một minh chứng rõ nét cho khả năng hiệp đồng tác chiến Nga-Syria.
Sự phối hợp, hiệp đồng của không quân Nga và bộ binh Syria cũng tỏ ra khá hiệu quả khi đẩy lùi IS tại một số khu vực quan trọng trên lãnh thổ Syria trong thời gian qua.
Với 310 năm phát triển, trải qua nhiều cuộc chiến tranh, thủy quân lục chiến Nga đủ mạnh để tham chiến bảo vệ các căn cứ ven bờ, trong khi căn cứ không quân Latakia (Syria) không xa bờ biển. |
Vì thế, xét từ chính trường đến chiến trường, rõ ràng Thổ đều bất lợi nếu liều lĩnh điều quân đánh chiếm các tổ hợp tên lửa phòng không S-400 của Nga tại Syria.
Vậy nên, quốc gia này đủ tỉnh táo để không lựa chọn phương án sai lầm đó./.