Các báo cáo cho thấy sức mạnh hạt nhân ngày càng tăng của Triều Tiên và cuộc đấu khẩu gay gắt giữa Bình Nhưỡng và Washinton đang làm tăng mối quan ngại tại Nhật rằng các cơ sở quân sự của Mỹ tại Nhật có thể là các mục tiêu tấn công đầu tiên.

39880166_303_cwau.jpg
 

Hai báo cáo được đưa ra trong chỉ một vài giờ vào ngày 8/8 chỉ ra rằng Triều Tiên đã phát triển thành công đầu đạn hạt nhân thu nhỏ có thể gắn lên tên lửa đạn đạo, một bước nhảy vọt về công nghệ mà hầu hết các nhà phân tích trước đây cho rằng vượt quá năng lực của nhà khoa học Triều Tiên.

Trong một hành động gây thêm căng thẳng trong khu vực, Bình Nhưỡng vào ngày 9/8 tuyên bố đã "kiểm tra một cách kỹ lưỡng” kế hoạch tấn công lãnh thổ Guam ở Thái bình Dương của Mỹ bằng các tên lửa đạn đạo tầm dài.

Tuyên bố này được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra lời đe doạ rằng bất kỳ cuộc tấn công nào của Triều Tiên cũng sẽ bị đáp trả bằng "bão lửa".

Tình hình an ninh tại khu vực Đông Bắc Á xấu đi đang rung lên hồi chuông báo động tại Nhật nơi đặt các căn cứ quân sự của Mỹ và nằm trong tầm ngắm của các tên lửa Triều Tiên.

Sách Trắng về quốc phòng hàng năm mà Tokyo công bố vào ngày 8/8 đã chỉ ra rằng các vũ khí hạt nhân và các chương trình tên lửa của Triều Tiên đã đạt "mức đe doạ mới” đối với Nhật và cộng đồng quốc tế. Bản báo cáo trước khuyến cáo các chương trình của Triều Tiên đã đưa ra "những mối đe doạ nghiêm trọng và hiện hữu”.

Những tiến bộ đáng kể

Theo báo cáo mới này, có thể thấy rằng chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã có những bước tiến đáng kể và có khả năng Triều Tiên đã thành công trong việc thu nhỏ các vũ khí hật nhân và sở hữu các đầu đạn hật nhân.

Bản báo cáo dài 563 trang còn nhấn mạnh: "Kể từ năm 2016, khi Triều Tiên tiến hành 2 vụ thử hạt nhân và hơn 20 vụ thử tên lửa đạn đạo, mối đe dọa về an ninh từ Triều Tiên đã bước vào một giai đoạn mới."

Báo cáo nghiên cứu này đã vượt xa dự đoán về năng lực hạt nhân của Triều Tiên mà các nhà phân tích và các nhân viên tình báo trước đây đã đưa ra. Trước đó, tờ nhật báo Washington Post đã trích dẫn một báo cáo đánh giá mật của Mỹ cho thấy Bình Nhưỡng đã thành công trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân.

Bản báo cáo của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Nhật kết luận rằng Triều Tiên đã vượt qua ngưỡng quan trọng trong nỗ lực trở thành một cường quốc tên lửa toàn diện. Báo cáo đánh giá khác ước tính rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có một kho vũ khí chứa khoảng 60 vũ khí hạt nhân khả dụng.

Ông Garren Mulloy, Phó Giáo sư giảng dạy bộ môn quan hệ quốc tế thuộc Trường Đại học Daito Bunka (Nhật), cho biết sự tiến bộ vượt bậc này của Triều Tiên là nguyên nhân chính gây nên mối quan ngại sâu sắc.

Lý do để lo ngại

Chuyên gia phân tích này bổ sung rằng Triều Tiên đang có những "bước tiến dài” trong việc đa dạng hoá các hệ thống cung cấp. Việc phóng thử nghiệm các tên lửa từ các bệ phóng cố định đã được hoàn thiện, song các tên lửa này có nguy cơ hứng chịu các cuộc tấn công phủ đầu.

Vì vậy, theo ông Mulloy, cùng với chương trình hạt nhân, Triều Tiên đã phát triển và triển khai các dàn tên lửa TEL có thể di chuyển khắp đất nước và rất khó bị phát hiện.

Mũi nhọn thứ ba trong chương trình vũ khí tầm dài của Triều Tiên là tên lửa đạn đạo phóng dưới biển tuy vẫn chưa được hoàn tất song phát triển nhanh trong 18 tháng qua.

Các phương tiện thông tin đại chúng tại Nhật đã khuyến cáo ở một số khu vực ở nước Nhật, đặc biệt là các khu vực giáp Bán đảo Triều Tiên dọc Biển Nhật Bản. Một số thị trấn đã tiến hành diễn tập định kỳ tình huống tên lửa tấn công ở khu vực kế bên và người dân địa phương được kêu gọi chú ý đến còi báo động và ẩn nấp nếu không thể sơ tán.

Gần đây, Chính phủ Nhật cũng cập nhật thông tin trên trang web Bảo vệ Công dân về các biện pháp mà các công dân cần áp dụng trong trường hợp có tấn công tên lửa. Người dân cần trú ẩn trong các toà nhà kiên cố hay ở các cơ sở mua sắm dưới lòng đất, đồng thời bất cứ ai trong tình huống ở ngoài trời cần phải nằm xuống dưới đất và có gì che chắn nếu có thể. Những người ở trong nhà cũng được đề nghị tránh xa cửa sổ.

Cảnh báo nơi học đường

Trẻ em sơ tán ở trường học thuộc miền Tây Bắc Nhật trong một cuộc diễn tập có không kích vào tháng 6.

Vào tháng 4 năm nay, một trường quốc tế ở Yokohama đã khuyến cáo các cán bộ làm việc trong trường rằng: "Do quan hệ căng thẳng ngày càng trầm trọng giữa Triều Tiên và Mỹ, chính phủ Nhật đã đưa ra lời cảnh báo phòng ngừa về khả năng Triều Tiên sẽ phóng tên lửa và mục tiêu có thể nhằm vào Nhật."

"Trong trường hợp này, chính phủ Nhật sẽ báo động và ban giám hiệu nhà trường khẩn cấp thông báo để các giáo viên đưa sinh viên của mình đến giảng đường trú ẩn."

Một công ty bán các thiết bị bảo vệ khi có bom và thiết bị làm sạch không khí cho biết công ty này tiếp nhận 30 đơn hỏi mua hàng mỗi ngày, tăng khoảng 5 đơn so với năm trước.

Và người tiêu dùng không ngần ngại chi 25 triệu Yen (tương đương 193.499 euro) mua các thiết bị bảo vệ khi có bom và nhiều người lo ngại vì nằm trong danh sách chờ đợi dài.

Bà Kanako Hosomura làm nghề nội trợ ở Yokohama, miền Nam Tokyo, chia sẻ: "Khi theo dõi tin tức chúng tôi thấy tình hình rất đáng lo ngại. Một vài năm về trước, chúng tôi chỉ nghe nói Triều Tiên đã tiến hành thử nghiệm vũ khí hạt nhân và phóng tên lửa, song hiện nay dường như ngày nào cũng có tin tức Triều Tiên đạt tiến bộ trong việc chế tạo tên lửa lớn hơn hay tốt hơn. Ai ai cũng biết rằng tên lửa của họ có thể chạm đến bất cứ nơi nào tại Nhật và căn cứ hải quân lớn của Mỹ tạo Yokosuka cách đây chưa đầy 40 km. Tôi lo sợ rằng ông Kim cảm thấy rằng chính quyền của mình sẽ sụp đổ và thế nào cũng sẽ phóng tên lửa của mình."

Đánh phủ đầu?

Đây là câu hỏi được đặt ra trong chính phủ Nhật. Một bộ phận đáng kể trong Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền tại Nhật cho rằng Nhật cần chính thức tuyên bố sẽ duy trì nguyên tắc tự phòng vệ để có thể tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu đối với kẻ thù nào đang chuẩn bị tấn công vào nước Nhật.

Thủ tường Nhật Shinzo Abe cho biết ông dự định tiến hành một công trình nghiên cứu trong tương lai gần về khả năng trang bị cho Nhật sức mạnh quân sự để tiến hành một cuộc tấn công đầu tiên như vậy mặc dù theo các nhà phân tích cơ sở pháp lý để làm điều đó chỉ tồn tại trong luật bất thành văn.

Ông Mulloy nói: "Tâm can tôi mách bảo rằng Đảng LDP sẽ không chính thức đi theo hướng đó mặc dù Đảng này kể từ đầu Chiến tranh Lạnh luôn quả quyết rằng Nhật có quyền tấn công nếu phát hiện một mối đe doạ 'hiện hữu, trực tiếp và sắp xảy ra'.... Song về mối đe doạ hạt nhân đối với Nhật, tôi nghĩ Tokyo cần ưu tiên Mỹ làm điều đó và Nhật có thể hỗ trợ tham gia như chúng ta đã thấy các binh sỹ Nhật đã yểm trợ máy bay dội bom của Mỹ trong các cuộc tập trận gần đây”./.