Quan hệ giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga bắt đầu trở nên căng thẳng kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea hai năm về trước và phương Tây áp dụng lệnh trừng phạt đối với Nga. Sự sụp đổ của thoả thuận ngừng bắn giữa Mỹ và Nga tại Syria vào ngày 3/10 và những lời buộc tội từ Washington rằng Nga đã sử dụng tấn công mạng để tác động vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ càng làm mối quan hệ mong manh này trở nên xấu đi hơn.

17590456_303_nnqz.jpg
 

NATO dấn bước

Cùng với chính sách của NATO về Syria dường như đóng băng cho đến khi tân tổng thống Mỹ tuyên thệ nhậm chức vào tháng 1/2017 và một loạt khế ước về phòng thủ được ký giữa các nước thành viên NATO ở Đông Âu, NATO đã có bước tiến mới trong tháng 11 này để thực hiện lời hứa về việc tăng cường sự hiện diện tại miền Đông Bắc Ba Lan và khu vực Baltic kể từ năm 2017.

NATO đặt kế hoạch thành lập bốn nhóm tác chiến với tổng số 4000 quân sỹ từ đầu năm 2017 có sự yểm trợ của lực lượng phản ứng nhanh hùng mạnh gồm 40000 quân sỹ.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg vào ngày 8/11 phát biểu rằng động thái này "là một phản ứng đáp lại đối với thực tiễn khoảng 330.000 lính Nga đóng quân ở phía sườn Tây của Nga gần Moscow."

Song ông Stoltenberg cũng khẳng định rằng: "NATO không mưu tính đối đầu với Nga. Chúng tôi không muốn một cuộc Chiến tranh Lạnh mới và không muốn một cuộc chạy đua vũ trang mới."

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cho hay Mỹ sẽ đóng góp 900 quân cùng với pháo binh, xe tăng và các chuyên gia về chất nổ cho việc tăng cường lực lượng của NATO ở Đông Âu.

Pháp, Đan Mạch, Italy và các nước đồng minh khác theo dự kiến cũng sẽ tham gia bốn nhóm chiến đầu do Mỹ, Anh và Canada dẫn đầu để đến Ba Lan, Lithuania, Estonia và Latvia.

"Ở đâu có bùn, ở đó có đồng”

Giữa những căng thẳng leo thang này, bánh xe của một hoạt động kinh doanh "béo bở" vẫn quay tròn. Warsaw đặt kế hoạch nâng chi tiêu quốc phòng lên 2,5% đến năm 2030 nhằm thay thế các thiết bị cũ từ thời Xô Viết bằng các vũ khí hiện đại có thể chống lại mối đe doạ gia tăng từ Nga. Theo chương trình này, Ba Lan dự tính chi ít nhất 83 tỉ PLN (tương đương 23,7 tỉ USD) để trang bị vũ khí và các khí tài quân sự mới trong vòng năm năm tới.

Chương trình này đã được khởi động bằng một thoả thuận bán vũ khí lớn đạt được giữa Mỹ và Ba Lan vào ngày 17/11. Theo đó, Mỹ phê chuẩn bán cho Ba Lan hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot ước tính trị giá lên tới 10,5 tỉ USD.

Ba Lan sẽ tiếp nhận 208 tên lửa đánh chặn Patriot PAC-3, 16 trạm phóng M903, 4 radar AN/MPQ, 4 đài kiểm soát, phụ tùng, phần mềm và các thiết bị đi kèm.

Các tên lửa này được thiết kế để phát hiện, theo dõi và chiến đấu với các thiết bị trên không không người lái, các tên lửa hành trình và các tên lửa đạn đạo tầm ngắn hay chiến thuật.

Trong một tuyên bố được đưa ra sau khi thoả thuận bán này được ký kết, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: "Một châu Âu an toàn, có khả năng ngăn chặn những đe doạ tên lửa và trên không và các hình thức gây hấn khác sẽ thúc đẩy hoà bình và ổn định trong phạm vi NATO trên lục địa châu Âu."

Tuy nhiên, giao dịch này còn cần sự phê chuẩn của nghị viện Mỹ vì bất kỳ việc bán công nghệ quân sự tối tân cho nước khác cần phải có giấy phép đặc biệt. Nghị viện Mỹ có 15 ngày để phản đối thoả thuận này, mặc dù thoả thuận này theo dự đoán sẽ nhanh chóng được thông qua căn cứ vào mối quan hệ quân sự chặt chẽ giữa hai nước.

Hiện tại, Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha là Hy Lạp là những nước duy nhất ở châu Âu sử dụng hệ thống phòng thủ trên không Patriot.

Ba Lan đang ở giữa giai đoạn Rà soát Chiến lược Quốc phòng (SDR) kể từ khi gia nhập NATO vào năm 1999.

Chuyên gia tư vấn Dominik Kimla đang công tác tại công ty tư vấn quản lý Avascent nhận định: "Các quyết định mua sắm chính trong vòng 12 tháng tới cũng như các cuộc cải cách mua sắm chính phủ dự trù trong thời gian tới và những thoả thuận quốc phòng với nước ngoài chắc chắn sẽ định hình lên ngành quốc phòng Ba Lan cho hàng thập kỷ. Cách thức Ba Lan đầu tư trong những năm tới cũng sẽ chuyển hoá quân sự của nước này từ vị thế là phòng thủ sang thành một lực lượng mà năng lực sẽ khiến Moscow phải cân nhắc kỹ trước tiến hành bất kỳ hành động nào đối với nước láng giếng phía Tây của mình."

"Điều này cho thấy rõ Bộ Quốc phòng Ba Lan đã thay đổi chiến lược từ vị thế phòng thủ chặt chẽ sang chú trọng đến khả năng tấn công có thể được vận dụng để chống hay ngăn chặn bất cứ địch thủ nào trong tương lai", chuyên gia Kimla nói.

Đồng thời, Mỹ và cụ thể là ông Donald Trump trong cuộc vận động tranh cử tổng thống đã khảng khái nói rằng nếu muốn an toàn, các nước thành viên NATO cũng sẽ phải bắt đầu chỉ trả nhiều hơn cho quốc phòng.

Các nước thành niên NATO tại châu Âu duy nhất hiện nay đạt chỉ tiêu về chi phí quốc phòng mà khối này đề ra là 2% GDP gồm Anh, Estonia, Hy Lạp và Ba Lan. 23 nước thành viên còn lại chưa đạt chỉ tiêu về quốc phòng NATO đề ra trung bình 1%./.