Vũ khí bất ngờ
Bộ chỉ huy Trung tâm Không quân Mỹ (AFCENT) vừa cho biết, máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor đã tham gia cuộc không kích Syria hôm 14/4. Thông tin này gây bất ngờ lớn đối với lực lượng phòng không Nga và Syria bởi các radar của Nga đã không hề phát hiện được sự hiện diện của loại máy bay F-22 Raptor trong cuộc tấn công.
Tiêm kích F-22 Raptor của Mỹ. Ảnh: National Interest. |
Theo người phát ngôn Bộ chỉ huy Trung tâm Không quân Mỹ, Đại úy Mark Graff, các máy bay chiến đấu F-22 thế hệ thứ 5 đã đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc tấn công Syria hôm 14/4, gián tiếp bảo vệ lực lượng bộ binh trong suốt quá trình và cả sau khi chiến dịch tấn công các căn cứ quân sự của Syria.
Cụ thể, F-22 Raptor đã làm nhiệm vụ cảnh giới cho các binh sỹ Mỹ và đồng minh dưới mặt đất trong lúc liên quân Mỹ - Anh - Pháp tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào những cơ sở bị tình nghi chứa vũ khí hóa học của Syria. F-22 Raptor là chiến đấu cơ tinh vi nhất của Không quân Mỹ với độ cơ động đỉnh cao, thiết bị điện tử tân tiến, khả năng tấn công tầm xa, cùng tính năng tàng hình cực đỉnh.
“Nhờ có những khả năng đặc biệt, máy bay chiến đấu F-22 thế hệ thứ 5 là loại máy bay duy nhất thích hợp với sứ mệnh hoạt động bên trong vùng bảo vệ của các hệ thống phòng không tích hợp của Syria. Chúng giúp vô hiệu hóa mối đe dọa với các lực lượng và cơ sở quân sự của Mỹ ở khu vực, đồng thời yểm trợ từ trên không, bảo vệ cho Mỹ, đồng minh và các đối tác hoạt động dưới mặt đất", ông Mark Graff nói.
Việc hệ thống radar cảnh báo của cả Nga lẫn Syria không phát hiện ra chiếc máy bay F-22 thế hệ 5, cho thấy năng lực tàng hình của loại máy bay này thực sự đáng nể. Trước đó, có nhiều đồn cho rằng loại vũ khí này đã không được sử dụng trong cuộc tấn công Syria.
Ngoài việc tuyên bố máy bay F-22 tham gia cuộc tấn công, Mỹ cũng cho biết các tên lửa JASSM được sử dụng trong vụ không kích Syria thực tế không phải là phiên bản tên lửa JASSM-ER cải tiến có tầm bắn 1000km và mang đầu đạn 459kg như thông báo trước đây. Thay vào đó, là tên lửa tiêu chuẩn của dòng này, có tầm bắn 370km, đưa vào hoạt động từ năm 2009.
Lý do khiến Pháp “theo chân” Mỹ dội hỏa lực vào Syria
Sử dụng chiến thuật tác chiến phi tiếp xúc
Hãng tin Sputnik dẫn lời chuyên gia quân sự, đồng thời là thành viên của Viện Hàn Lâm khoa học Nga Konstantin Sivkov nhận định, trong cuộc không kích nhằm vào Syria hôm 14/4 vừa qua Mỹ đã sử dụng chiến thuật tác chiến phi tiếp xúc. Tuy nhiên chiến thuật này đã không đạt hiệu quả, mặt khác còn góp phần nâng cao uy tín của hệ thống phòng không Nga.
“Về mặt chiến lược, Mỹ đang chơi quân cờ tốt nhất của mình đó là sử dụng chiến thuật tác chiến phi tiếp xúc. Song rõ ràng, hệ thống phòng không Syria, dưới sự yểm trợ của hệ thống phòng không Nga đã có thể đáp trả lại những cuộc tấn công này”, ông Sivkov nói.
Thời gian gần đây, tác chiến phi tiếp xúc đã thực sự trở thành biện pháp tác chiến chiến lược quan trọng và được vận dụng trong nhiều giai đoạn chiến tranh, rõ nhất là trong giai đoạn tiến công hỏa lực. Ưu điểm của chiến thuật này là áp dụng được nhiều thủ đoạn, tổn thất sinh lực thấp, nhờ tiến công đối phương từ xa.
Trong tác chiến truyền thống, muốn tiêu diệt một chiếc xe tăng hoặc một khẩu pháo… phải dội hàng chục tấn bom đạn, còn với chiến thuật mới, chỉ cần một quả tên lửa hoặc một quả đạn pháo được điều khiển với độ chính xác cao là có thể diệt gọn. Tất nhiên, chiến thuật phi tác chiến cần đến những loại vũ khí thông minh, được điều khiển từ xa.
Theo đánh giá của ông Konstantin Sivkov, chiến thuật tác chiến phi tiếp xúc mà Mỹ áp dụng khi tấn công Syria lần này đã không mang lại hiệu quả như ý muốn, do sức mạnh không lường trước được của hệ thống phòng không Nga. Sputnik dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov ngày 16/4 cho biết, hệ thống phòng không Nga đã cho thấy hiệu quả gần như 100% khi đánh chặn các tên lửa của Mỹ và phương Tây trong cuộc không kích Syria vừa qua. Cụ thể, các tổ hợp Pantsir-S1 phóng 25 tên lửa, chặn thành công 23 quả. Tổ hợp tên lửa Buk phóng 29 tên lửa, trúng 24 quả. Tổ hợp Kvadrat phóng 21 tên lửa, trúng 11 quả...
Ông nhận định, qua cuộc chiến này, người ta sẽ chú ý hơn nhiều đến hệ thống phòng không Nga: “Ý tôi muốn nhấn mạnh ở đây là về lĩnh vực kinh tế. Các quốc gia khác có thể xem xét việc mua sắm một loạt trang thiết bị và vũ khí quân sự của Nga để nâng cao năng lực quốc phòng”.
Nhà phân tích này cũng nhận định, Mỹ sẽ theo đuổi “một cuộc chiến phức hợp” trên cả mặt trận quân sự, ngoại giao, kinh tế đối với Nga bởi Moscow từ trước đến này vẫn được coi là “đối thủ” chính của Mỹ. Tất yếu điều này sẽ kéo theo thêm nhiều các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Vậy khi nào thì cuộc chiến này kết thúc? Theo chuyên gia Sivkov, có 2 trường hợp có thể xảy ra: “Trường hợp thứ nhất khi Nga trở thành một đồng minh của Mỹ. Trường hợp thứ hai là Nga có thể tạo ra một hệ thống vũ khí đa năng có sức mạnh vượt trội so với Mỹ, chẳng hạn như các hệ thống tên lửa hạt nhân RS-28 Sarmat và hệ thống đa mục tiêu Status-6 Oceanic mà Tổng thống Putin từng nói đến. Khi đó Mỹ sẽ buộc phải nhượng bộ Nga trên bàn đàm phán”./.
4 lý do Mỹ không dễ lật đổ Tổng thống Syria bằng đòn tấn công quân sự