Mua bán tàu ngầm là thỏa thuận quốc phòng mới nhất giữa Trung Quốc và Thái Lan, trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai nước đang có nhiều bước tiến kể từ sau cuộc đảo chính quân sự tại Thái  Lan năm 2014.

tau_ngam_bnjl.jpg
Một chiếc tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Hải quân Trung Quốc

Ngày 24/4 vừa qua, Nội các Thái Lan đã "bật đèn xanh" cho việc mua 1 trong 3 tàu ngầm mà nước này có kế hoạch mua của Trung Quốc, với giá 393 triệu USD/chiếc.

Kế hoạch này trước đó vấp phải sự chỉ trích của dư luận về việc không cần thiết mua loại tàu đắt đỏ trong bối cảnh kinh tế của Thái Lan vẫn còn khó khăn, cũng như cho rằng vùng biển Thái Lan nông và không thích hợp cho loại tàu này.

Phát biểu tại buổi họp báo ngày 1/5, Tham mưu trưởng Hải quân Thái Lan, Đô đốc Leuchai Ruddis cho rằng, có sự không chắc chắn trong tình hình an ninh trong khu vực và trên thế giới với các nguy cơ cao như căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên. Thái Lan cần phải thúc đẩy việc mua các loại thiết bị này để đảm bảo sự ổn định và an toàn của người dân.

Ông Leuchai cho biết: “Với tình hình không chắc chắn như hiện nay và lực lượng hải quân phải làm nhiệm vụ vào bất cứ thời điểm nào, cũng như Thái Lan phải bảo vệ các đường biên giới trên biển của nước này, việc xúc tiến mua tàu ngầm là cần thiết. Chúng tôi đưa ra quyết định dựa trên lợi ích của người dân Thái Lan và luôn coi lợi ích của người dân là ưu tiên hàng đầu”.

Tháng trước, Nội các Thái Lan cũng phê chuẩn thương vụ mua 10 xe tăng Trung Quốc trị giá 58 triệu USD, nhằm thay thế dòng xe tăng cũ do Mỹ sản xuất. Đây là đợt mua sắm thứ 2 trong số 3 thương vụ mà Chính phủ Thái Lan lên kế hoạch nhằm mua tổng cộng 49 xe tăng của Trung Quốc.

Hàng loạt các thỏa thuận quốc phòng giá trị giữa Trung Quốc và Thái Lan cho thấy mối quan hệ song phương của hai quốc gia này có nhiều cải thiện, đặc biệt khi mối quan hệ với đồng minh truyền thống trong khu vực giữa Thái Lan và Mỹ không còn nhiều dấu hiệu nồng ấm như xưa.

Thái Lan trước đó thường là khách hàng mua vũ khí của các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Tuy nhiên, sau cuộc đảo chính quân sự tại Thái Lan năm 2014, mối quan hệ với phương Tây bị đình trệ, với việc Mỹ đóng băng khoản viện trợ an ninh trị giá 4,7 triệu USD cũng như hủy bỏ một số thỏa thuận an ninh.

Theo giới quan sát, trong bối cảnh này, cũng giống như ở Philipines, Trung Quốc đang lấp đầy các khoảng trống, dần kéo Thái Lan ra khỏi hệ thống liên minh do Mỹ dẫn đầu. Mặc dù vậy, giới quan sát nhận định, là hai quốc gia vốn có sự hợp tác chặt chẽ trong mọi cuộc xung đột lớn kể từ chiến tranh thế giới thứ 2, thậm chí Mỹ và Thái Lan còn đánh giá lại mối quan hệ đối tác để đáp ứng với các thách thức toàn cầu như chủ nghĩa khủng bố hay tội phạm xuyên quốc gia.

Do đó, Mỹ không nên tiếp tục để mất đi một đối tác khác là Thái Lan trong khu vực. Điều quan trọng và cần thiết hiện nay là Mỹ cần phải thông qua cách tiếp cận chiến lược hơn, ưu tiên sự hợp tác kinh tế và an ninh với Thái Lan trước khi liên minh này bước vào giai đoạn khủng hoảng./.